Đó chính là điều được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảnh báo tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường với sự tham gia của lãnh đạo Chính phủ và 63 tỉnh, thành. Thủ tướng khẳng định ô nhiễm môi trường và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường đã gây bức xúc trong xã hội.
Cảnh báo của người đứng đầu Chính phủ diễn ra khi xuất hiện hàng loạt sự cố môi trường từ tầm địa phương cho tới quốc gia, trở thành vấn đề kinh tế - xã hội nóng bỏng. Đã có không ít trường hợp người dân bỏ cả công ăn việc làm, dựng lều bạt, chướng ngại vật để chặn con đường ra vào nhà máy, công trình gây ô nhiễm. Cũng đã có những vụ mà mâu thuẫn, xung đột về vấn đề môi trường đã biến thành một “điểm nóng” về an ninh, trật tự.
Sự cố môi trường nghiêm trọng và chưa từng thấy do Formosa gây ra cho biển miền Trung thực sự chấn động khiến cả nước giật mình về tác hại mà ô nhiễm môi trường gây ra có thể nghiêm trọng tới mức nào. Đó không chỉ là thiệt hại vô cùng lớn về kinh tế mà chỉ riêng phần đền bù của bên gây ô nhiễm thôi cũng đã lên tới 500 triệu USD mà sự cố này đã làm đảo lộn cuộc sống, mưu sinh từ bao đời của hàng trăm nghìn ngư dân các tỉnh miền Trung. Đã hơn 4 tháng kể từ khi xảy ra sự cố môi trường biển miền Trung, đến nay cơ quan chức năng vẫn còn nợ dân câu trả lời: Ăn cá ở những nơi bị ô nhiễm đã thực sự an toàn chưa? Như thế, cuộc sống của người dân các tỉnh miền Trung vẫn chưa thể trở lại bình thường.
Có thể nói, vấn đề ô nhiễm môi trường trở nên nóng bỏng như ngày nay là hệ quả của việc chưa coi trọng đúng mức. Thậm chí có nơi đã xem nhẹ vấn đề môi trường, chỉ nhăm nhăm phát triển kinh tế bằng mọi giá. Thế mới có chuyện Đà Nẵng, Khánh Hòa đã thẳng thừng từ chối các dự án thép chục tỉ đô như Formosa song nơi khác lại chấp thuận.
Một trong những nguyên nhân không kém phần quan trọng khác khiến ô nhiễm môi trường ngày càng nặng nề là do xem nhẹ trách nhiệm trong việc để xảy ra ô nhiễm môi trường. Như Thủ tướng nêu rõ tình trạng “cha chung không ai khóc” là một trong những yếu kém của quản lý nhà nước dẫn đến môi trường xuống cấp. Với quan điểm “không bắn chỉ thiên”, người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ “địa chỉ trách nhiệm” nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường là bộ trưởng và chủ tịch UBND các cấp.
Ô nhiễm môi trường cần phải được ngăn chặn và xử lý trước khi quá muộn bởi nó không chỉ gây thiệt hại nặng nề về môi trường, sức khỏe, kinh tế mà còn kích hoạt những hệ lụy khôn lường khác.
Bình luận (0)