Được thiết lập và kích hoạt trước đó, hệ thống giám sát với 30 bệnh viện ở TP HCM đã tỏ rõ hiệu quả. Các hoạt động theo dõi, chăm sóc sức khỏe thai phụ nhiễm virus Zika đã được tổ chức tốt tại 2 bệnh viện phụ sảnTừ Dũ, Hùng Vương và Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản. TP còn tiếp tục tăng cường hệ thống giám sát các biến chứng của virus Zika, tổ chức thêm 16 điểm tư vấn ở các cơ sở y tế tư nhân…
Virus Zika hiện đã có mặt ở 73 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có ít nhất 19 nước ở châu Á - Thái Bình Dương. Tại Đông Nam Á, 2 nước Thái Lan và Singapore đã ghi nhận số trường hợp nhiễm Zika nhiều nhất, lần lượt là 350 và 440 ca, trong đó có các phụ nữ mang thai. Phản ứng như thế nào cho phù hợp? Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế Việt Nam luôn khuyến cáo đừng quá hoang mang nhưng cũng chớ xem thường loại virus có nguy cơ bùng phát thành dịch lớn này. Lời khuyên xem ra dễ hiểu nhưng không dễ thực hành.
Đừng quá hoang mang, bởi theo WHO, khoảng 80% trường hợp người bị nhiễm không phát hiện triệu chứng và có thể tự khỏi. Với trường hợp người mẹ mang thai, nếu trong 3 tháng đầu tiên mắc virus Zika thì đứa trẻ sinh ra có thể bị hội chứng đầu nhỏ nhưng tỉ lệ này chỉ dưới 1%, nghĩa là không phải người mẹ mang thai nào mắc Zika cũng sinh ra em bé bị tật đầu nhỏ. Nhưng cũng không thể lơ là, xem nhẹ vì 4 lý do chính: khả năng gây ra dị tật cho trẻ sơ sinh; nguy cơ bùng phát thành dịch trên phạm vi rộng; thiếu các biện pháp miễn dịch; chưa có vắc-xin phòng bệnh.
Để phản ánh đầy đủ các biểu hiện lo lắng thái quá, có lẽ cần phải tổ chức thăm dò. Tuy nhiên, không quá khó để nhận ra thái độ thờ ơ, khinh suất về virus Zika, trước hết trong tư duy quản lý. Tại hội nghị hôm 3-11, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thị Thu nhấn mạnh yêu cầu phải kiểm soát cho được bệnh do virus Zika, kiềm chế, không để bùng phát thành dịch, đồng thời cho biết UBND TP sẽ thành lập Ban chỉ đạo phòng bệnh sốt xuất huyết và Zika. Bà Thu bày tỏ sự quan ngại về các phường, xã, thị trấn còn lơ là trong phòng chống dịch, cụ thể trong việc tổ chức làm vệ sinh, diệt lăng quăng, bọ gậy vốn được xem là biện pháp hữu hiệu ngăn chặn virus Zika. Hiện nay, bất chấp sự khuyến cáo của các nhà chức trách y tế, nhiều khu công nghiệp, khu dân cư, hộ gia đình vẫn để nước đọng ở các dụng cụ trong nhà, trong vườn, sân kho… Thái độ thụ động này chỉ tạo thêm điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sinh sản.
Cùng với hình ảnh một đất nước Brazil chưa hết điêu đứng vì virus Zika suốt thời gian dài, có thể mượn thêm lời Giám đốc WHO, bà Margaret Chan, như một lời nhắc đối với những ai còn xem nhẹ sức hủy hoại của virus này: “Điều không may là vẫn còn nhiều câu hỏi quan trọng về Zika chưa được các nhà khoa học trả lời thỏa đáng”.
Bình luận (0)