Vào ngày cuối tuần, quận 9, TP HCM có mưa nên môi trường ở đây càng thêm ẩm thấp. Các tuyến đường như Lã Xuân Oai, Nguyễn Duy Trinh… đi vào quận 9 có nhiều ao tù, bãi rác và công trình xây dựng dở dang, lầy lội, hôi hám. Các tuyến đường này nối tiếp giữa 2 địa phương có số ca mắc bệnh do virus Zika nhiều nhất trên địa bàn TP HCM hiện nay là quận 9 (3 ca) và quận 2 (2 ca).
Người dân lơ là
Trong căn nhà cấp 4, anh Nguyễn Quang Trung (ngụ phường Phước Long B, quận 9) loay hoay vệ sinh máy điều hòa trong phòng ngủ. Nghe nói muỗi không chịu nổi trong không khí lạnh nên trước khi ngủ, anh bật máy điều hòa để đuổi muỗi ra ngoài. Khi được hỏi có biết gì về bệnh Zika mới nổi, anh Trung thừa nhận gần đây nghe nói bệnh Zika đang lan truyền nhưng không biết nơi mình đang sống có nhiều ca mắc bệnh nhất.
Phường Phước Long B là địa phương được TP công bố dịch trên quy mô cấp phường/xã. “Nghe nói trẻ con khi bị muỗi Zika cắn thì gây teo đầu, teo não. Không biết phải vậy không?” - anh Trung thắc mắc và cho hay những ngày qua cũng không thấy cán bộ y tế địa phương tuyên truyền gì.
Ghé một quán cà phê võng trên đường Lã Xuân Oai (quận 9), tôi giật mình vì muỗi nhiều kinh khủng. Trong khu chòi kín, không khí ẩm thấp cộng thêm nước đọng chính là nơi cho muỗi có điều kiện sinh sôi nảy nở. Hỏi biết gì về bệnh Zika, chị Nga - chủ quán - nói cũng có nghe qua Facebook chứ không thấy địa phương thông báo gì cả.
Phường An Phú (quận 2) cũng tồn tại nhiều nguy cơ bệnh Zika lây lan. Theo BS Phan Thành Phước, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận 2, sau trường hợp người mẹ đang mang thai 8 tuần tuổi được phát hiện nhiễm Zika, trên địa bàn đã có thêm một phụ nữ dương tính với virus nguy hiểm này.
Nhiều môi trường cho muỗi phát triển
Quận 12 cũng là ổ dịch Zika. Cuối tuần qua, Trung tâm Y tế dự phòng quận 12 đã phun hóa chất diệt muỗi trên địa bàn khu phố 7, phường Hiệp Thành để phòng ngừa dịch bệnh Zika lây lan.
BS Vũ Đức Diễn - Trưởng Khoa Kiểm soát dịch bệnh Trung tâm Y tế dự phòng quận 12 - cho biết đã ghi nhận 4 trường hợp mắc Zika trên địa bàn và đều là nữ, cư ngụ tại phường Hiệp Thành. Những người này lúc đầu có biểu hiện phát ban nên đến Bệnh viện quận 12 khám. Nghi ngờ nên bệnh viện lấy mẫu máu gửi Viện Pasteur TP HCM xét nghiệm, kết quả ghi nhận tất cả đều nhiễm bệnh do virus Zika gây ra. Trung tâm Y tế dự phòng quận 12 đã giám sát những người thân và cộng đồng khu vực 4 bệnh nhân nói trên sinh sống, phun hóa chất diệt muỗi và tổ chức diệt lăng quăng trên toàn phường Hiệp Thành, đồng thời tổ chức tổng vệ sinh môi trường trên địa bàn để ngăn chặn lây lan bệnh do virus Zika.
Tại quận 2, theo BS Phan Thành Phước, địa phương đã phun hóa chất 2 lần và có kế hoạch điều tra, giám sát, xử lý ổ dịch, lấy mẫu kiểm tra những trường hợp sốt phát ban trong khu vực…
Mặc dù các địa phương tỏ ra nhanh nhạy trong triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Zika nhưng vẫn còn nhiều vấn đề quan ngại. Nguy hiểm nhất là không kiểm soát được nguồn bệnh tiềm ẩn lan truyền tại các công trình xây dựng dở dang cộng ý thức chủ quan trong phòng bệnh của cộng đồng. Tại quận 2 có 3 khu vực phát sinh nhiều muỗi, tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh Zika là các phường Bình Lợi, An Phú và Bình An. Phường An Phú có nhiều dự án lớn bỏ hoang chính là môi trường cho muỗi truyền bệnh Zika phát triển.
Bà Nguyễn Thị Đoan Trang, Chủ tịch UBND phường An Phú, cho biết hiện trên địa bàn có 4 dự án diện tích đất lớn nhưng chưa triển khai nên trở thành các bãi cỏ um tùm, ô nhiễm, gồm: dự án khu đô thị 87 ha, Trung tâm Thể dục thể thao Rạch Chiếc, nhà ga và sân golf. Các dự án trên chậm do đền bù chưa xong hoặc triển khai chậm, kéo dài gây mất vệ sinh, ô nhiễm. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài các công trình xây dựng dở dang thì hàng trăm lu khạp của các khu bán hoa kiểng tại quận này đang chứa nước đọng cũng là điều kiện lý tưởng cho muỗi sinh sôi.
Nguy cơ dịch chồng dịch
Ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM, bày tỏ lo ngại việc dịch sốt xuất huyết tại TP diễn biến xấu cũng khiến dịch bệnh Zika thêm phần phức tạp, nguy cơ dịch chồng dịch là khó tránh. Toàn TP đã có hơn 15.200 ca sốt xuất huyết, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2015. Về nguyên nhân khiến số ca nhiễm bệnh tăng, theo ông Dũng, chủ yếu là do người dân thờ ơ với các biện pháp phòng bệnh. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa hướng dẫn tốt việc triển khai dọn dẹp, vệ sinh môi trường.
UBND TP HCM đã tổ chức nhiều cuộc họp khẩn. Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP, yêu cầu các quận - huyện, đặc biệt nơi có dịch Zika lưu hành, phải quyết liệt triển khai vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng, không để muỗi truyền bệnh có môi trường thuận lợi để phát triển.
Theo bà Thu, ý thức của cộng đồng trong công tác phòng chống dịch Zika nói chung và các dịch bệnh truyền nhiễm khác nói chung lâu nay chưa mang lại hiệu quả. Việc phòng chống dịch bệnh đang mang tính “hô khẩu hiệu” và những báo cáo sáo rỗng trên giấy qua số liệu thống kê số lượng tờ rơi phát ra, số buổi tập huấn đã triển khai... Do đó, các địa phương phải tăng cường biện pháp truyền thông, vận động đến từng người dân, từng hộ gia đình để chủ động thay đổi hành vi bằng các hành động thiết thực trong việc bảo vệ môi trường sống; diệt muỗi, lăng quăng, bảo vệ sức khỏe của từng người, từng nhà.
Lập ban chỉ đạo dập dịch cấp TP
Trước tình hình dịch bệnh do virus Zika có chiều hướng gia tăng, lãnh đạo TP HCM thành lập Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh cấp TP; tiếp tục triển khai thêm 16 điểm lấy mẫu giám sát virus Zika, sốt xuất huyết; giao Sở Y tế khẩn trương lập danh sách các thai phụ trên địa bàn TP để theo dõi, phát hiện, qua đó có biện pháp hỗ trợ kịp thời đối với những trường hợp nhiễm mới phát sinh. Theo PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur
TP HCM, trên địa bàn TP có hệ thống kênh rạch chằng chịt cùng nhiều khu nhà cao tầng. Vì vậy, trước khi thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường, TP cần rà soát kỹ từng địa bàn, xác định rõ những khu vực tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh để thực hiện có trọng tâm.
37 trường hợp nhiễm Zika
Ngày 5-11, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết tính đến thời điểm này, Việt Nam ghi nhận 37 trường hợp dương tính với virus Zika (TP HCM: 29 ca; Đắk Lắk: 2 ca; Bình Dương: 2 ca; Khánh Hòa, Phú Yên, Long An và Trà Vinh mỗi địa phương 1 ca). Hiện Zika đã trở thành bệnh lưu hành trong cộng đồng. Tại TP HCM, số ca mắc liên tục tăng nhưng các bệnh nhân nhiễm Zika hầu hết đều có triệu chứng rất nhẹ. PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho biết vấn đề được giới chuyên môn quan tâm hàng đầu trong công tác phòng chống bệnh Zika hiện nay là bảo đảm sức khỏe của thai phụ, dự phòng và giảm thiểu nguy cơ trẻ mắc chứng đầu nhỏ do virus Zika. Vừa qua, đã phát hiện trường hợp trẻ mắc dị tật đầu nhỏ ở tỉnh Đắk Lắk nên thời gian tới có thể ghi nhận thêm các trường hợp mới.
Trước tình hình trên, Việt Nam quyết định nâng mức cảnh báo dịch bệnh do virus Zika lên cấp 3.
PGS-TS Trần Danh Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản trung ương, lưu ý phụ nữ nên siêu âm 3 lần trong thời gian mang thai: 12 tuần, 22 tuần và 32 tuần. Nếu tuân theo hướng dẫn cơ bản này thì bảo đảm phụ nữ có thai sẽ được phát hiện sớm các trường hợp đầu nhỏ. Đối với các ca mới sinh, việc đo kích thước xác định mắc đầu nhỏ rất đơn giản, như: quan sát hình thái của đầu, biến dạng xương sọ, chụp cộng hưởng từ để biết cấu trúc não... Do đó, ngoài việc tự bảo vệ sức khỏe mình bằng các biện pháp phòng tránh muỗi đốt, phụ nữ mang thai nên đi khám trước 28 tuần để phát hiện sớm các trường hợp dị tật thai nhi. Việt Nam đã có hệ thống chẩn đoán trước sinh. Phụ nữ mang thai nên đặt lịch hẹn với cơ sở y tế gần nhất để biết cụ thể việc theo dõi thai nhi. Hiện tỉ lệ các bà mẹ nhiễm Zika sinh con đầu nhỏ chiếm từ 1%-10%.
N.Dung - Ng.Thạnh
Bình luận (0)