Bản kê khai tài sản, thu nhập với số tài sản tăng thêm quá lớn của vị nữ giám đốc vì thế đã gây xôn xao dư luận. Tất nhiên, những thắc mắc, ý kiến đầu tiên là làm cách nào mà bà giám đốc thuộc một cơ quan hành chính lại có thêm nhiều tài sản có giá trị tới vậy chỉ sau 1 năm; số tài sản này có từ trước nhưng chưa được kê khai hay là số tài sản tăng thêm trong 1 năm qua...
Song cũng có không ít ý kiến lại cho rằng vị nữ giám đốc này đã tỏ ra trung thực, minh bạch trong việc kê khai tài sản, thu nhập. Những người này nhìn nhận rằng một khi vị nữ giám đốc đã kê khai số tài sản và thu nhập tăng thêm trong gia đình mình, dù giá trị rất lớn so với thu nhập của một cán bộ Nhà nước trong cùng thời gian thì hẳn bà sẽ giải trình được nguồn gốc của chúng.
Chuyện về bản kê khai tài sản, thu nhập thường niên của nữ giám đốc một trung tâm thuộc Sở TT-TT TP Hà Nội đã phần nào phản ánh sự hình thức trong việc kê khai tài sản cán bộ, công chức. Trước đó, cũng “nhờ” trộm “viếng” mà dư luận mới biết ông giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kon Tum bị mất 63 lượng vàng trị giá khoảng 3 tỉ đồng hay nhà một vị tướng cảnh sát mất số tiền, vàng... trị giá đến 1 tỉ đồng...
Theo Luật Phòng chống tham nhũng năm 2007, việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức được coi là một biện pháp quan trọng để phòng chống tham nhũng. Quan trọng là vậy song trên thực tế, việc kê khai tài sản hằng năm thường diễn ra một cách hình thức, hời hợt theo kiểu làm cho có. Cán bộ, công chức cứ “tự giác” kê khai rồi để đấy mà chưa thấy trường hợp nào phải yêu cầu giải trình, làm rõ để từ đó có thể phát hiện tham nhũng, tiêu cực. Trong suốt hơn 5 năm qua, dường như chưa thấy công luận chính thức đề cập trường hợp nào qua kê khai thu nhập mà phát hiện được tài sản bất minh hay tham nhũng.
Bình luận (0)