“Mọi lời nói của người dân không có hiệu lực và không được tiếp thu”. Câu nói của bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thăng Bình, cho thấy thái độ trịch thượng, xem thường người dân khi bị động đến trách nhiệm công việc của bà. Những thông tin từ vụ ô nhiễm trên do chính những phóng viên tiếp thu từ người dân và điều tra từ thực tế phản ánh trên mặt báo. Thay vì hợp tác để cùng giải quyết vấn đề thì vị cán bộ này đã chọn biện pháp né tránh, bất cần trước ý kiến của người dân bị thiệt hại. Và câu hỏi tại sao của vụ việc trên không khó để hình dung ra câu trả lời.
Sự minh bạch phải được tôn trọng trong mọi vấn đề dân sinh. Báo chí với vai trò phản biện xã hội trong thời gian qua đã góp phần không nhỏ trong việc phanh phui nhiều vụ việc tiêu cực. Bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) bị xâm hại; rừng Phú Yên bị xẻ thịt giao cho doanh nghiệp nuôi bò; vụ nhà “quan” xây biệt thự không phép ở Đồng Nai, Đắk Lắk... là những ví dụ vẫn còn tính thời sự. Vậy thì cán bộ hà cớ gì lại đề phòng báo chí thay vì hợp tác?
Yêu cầu về sự minh bạch luôn được đặt ra trong tất cả công việc và trong tư cách đạo đức, phẩm chất của từng cán bộ dù ở bất kỳ vị trí làm việc nào. Sự minh bạch không được tôn trọng sẽ dẫn đến những hậu quả rất lớn cho xã hội mà nạn nhân thường chính là người dân. Không minh bạch trong việc lập dự án đã dẫn đến phản ứng của người dân tại trạm thu phí Bến Thủy đang ầm ào những ngày qua. Không minh bạch trong báo cáo hoạt động của Tổng Công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) để rồi xảy ra vụ Trịnh Xuân Thanh mà đến bây giờ các cơ quan chức năng vẫn phải ráo riết xử lý hậu quả. Hàng triệu hecta rừng ở miền Trung và Tây Nguyên bị cạo sạch là hậu quả của việc không minh bạch trong báo cáo giám sát, kiểm tra, xử lý của các cơ quan liên quan. Hoặc việc minh bạch tài sản của cán bộ đến nay cũng gây không ít điều tiếng. Hậu quả nhãn tiền của những vụ việc tương tự không khó tìm thấy nhưng cơ chế quản lý, xử lý của các cơ quan chức năng rõ ràng là chưa tương xứng. Khi cán bộ chưa minh bạch thì không thể đòi hỏi người dân tin tưởng vào trách nhiệm quản lý xã hội mà họ được giao.
“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” là chủ trương xuyên suốt của Đảng và nhà nước hiện nay. Ngay cả một vụ việc liên quan đến dân sinh ở một địa phương không lớn như huyện Thăng Bình mà cán bộ cứ mãi lập lờ, áp đặt người dân thì làm sao họ biết để tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình chứ nói gì đến kiểm tra. Sự bất bình thường trong việc công khai thông tin phản ánh của người dân không chỉ dừng ở vụ việc tại Thăng Bình và nó luôn đặt ra vấn đề liêm khiết và lợi ích của những người liên quan.
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!