Nhà đài đã đưa cô phóng viên (người làm phóng sự) lên sóng xin lỗi người dân xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa về sự gán ghép, dàn dựng của tác phẩm nhưng chẳng lẽ chỉ vậy rồi thôi? Bao nhiêu sào rau, có khi là cơ nghiệp của một gia đình nghèo, vì cái phóng sự này mà không bán được, cùng với đó là sự hoang mang của người tiêu dùng, ai chịu trách nhiệm?
Nhiều ý kiến cho rằng Đài Truyền hình Việt Nam phải mua hết số rau này để tạ tội, cũng để cho thấy ý thức về cái sai của mình. Nói chung, bằng cách nào đó, bên gây hậu quả phải có trách nhiệm đền bù chứ không thể phủi tay bằng vài giây xin lỗi như gió thoảng mây bay!
Đối với hàng chục triệu người xem truyền hình, nhà đài dường như chưa quán triệt được trong đội ngũ của mình sự tôn trọng cần thiết. Thái độ coi thường đó thể hiện qua sự tái phạm liên tục các sai lầm như: dựng nên nhân vật Lượm trong chương trình “Người xây tổ ấm”, bịa ra cặp vợ chồng hát rong kiếm tiền nuôi con nhỏ trong “Điều ước thứ 7” (vợ chồng này không có thật ngoài đời), phát phim hoạt hình phản cảm “Nhặt xương cho thầy” vào dịp ngày Nhà giáo Việt Nam, “dời” địa danh Hà Nội sang Trung Quốc trong game show “Điệp vụ tuyệt mật”, lấy hình ảnh em bé bị vùi trong đổ nát tại Syria minh họa cho phóng sự giải cứu nạn nhân động đất ở Nepal, phát hình ảnh của “Paris by night” (chưa được phép) vào “Bài hát Việt”, để ảo thuật gia uống axít trong “Vietnam’s Got Talent”, dùng cảnh quay từ flycam của người khác mà không xin phép…
Không thể kể hết! Và thường sau mỗi lần “sai sót”, nhà đài chỉ xin lỗi là xong, để rồi sau đó tiếp tục phạm sai lầm...
Đây là đài truyền hình quốc gia. Người dân đâu dễ dàng xuôi tai trước lời biện hộ “làm nhiều, sai nhiều” như vẫn thường nghe! Ngoài nguồn thu xã hội hóa, đài được cấp khoản ngân sách khá lớn. Người dân không thể nào chấp nhận việc mình phải đóng thuế để nuôi nhà đài; đổi lại, đài liên tục cho khán giả ăn sạn, hầu hết đều vì chủ quan, cầu thả mà ra.
Sau vụ “Cây chổi quét rau”, không chỉ Đài Truyền hình Việt Nam mà những người làm báo nói chung ắt đều thức tỉnh một lần nữa về trách nhiệm của truyền thông đối với xã hội. Tuy nhiên, sẽ khó tránh lặp lại sai lầm một khi những bộ quy tắc đạo đức làm nghề không đủ sức ngăn trừ sự cố tình gian lận hay những âm mưu, chủ ý làm sai lệch sự thật để mưu lợi.
Nói rõ hơn, thay vì chấp nhận lời “xin lỗi” hay “mong thông cảm”, bên bị hại cần khởi kiện một vài vụ điển hình, như vụ “Cây chổi quét rau”. Chỉ có cách vận dụng những chế tài cứng rắn hơn như thế thì về sau mới mong ngăn chặn được sai trái ngay từ đầu.
Năm 1958, nhà văn Vũ Hạnh có truyện ngắn “Bút máu”. Qua đó, nhà văn đưa ra thông điệp rằng những người cầm bút mà viết không đúng sự thật thì sẽ gây ra tác hại khôn lường, tạo ra đầy rẫy nghiệp chướng khiến người đời oán thán. Đối với những người làm báo, lời dặn ấy không bao giờ thừa, chẳng bao giờ cũ!
Bình luận (0)