Sáng 20-6, TAND quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ đã hoãn phiên tòa xét xử vụ kiện đòi bồi thường kinh phí đào tạo giữa nguyên đơn là Trường ĐH Cần Thơ và bà Vũ Thị Nhuận (SN 1975).
Không dùng tiền của trường
Theo hồ sơ, vào năm 1997, bà Vũ Thị Nhuận được nhận vào làm việc tại Trung tâm Năng lượng mới của Trường ĐH Cần Thơ. Sau đó, bà được bố trí dạy bộ môn sinh học tại đây. Năm 2005, trường cử bà Nhuận đi học tiến sĩ ngành công nghệ sinh học tại ĐH Kyushu (Nhật Bản), thời gian học 3 năm.
Tháng 9-2008, bà Nhuận học xong trở về trường tiếp tục giảng dạy đến tháng 4-2011. Trong khoảng thời gian này, bà Nhuận viết đơn xin tham dự khóa đào tạo nghiên cứu sinh sau tiến sĩ nhưng không được Đảng ủy, ban giám hiệu trường chấp thuận. Ngày 10-3-2011, bà Nhuận gửi đơn xin nghỉ việc. Trường có mời bà Nhuận lên làm việc nhưng bà không đến nên trường khởi kiện, yêu cầu bà Nhuận bồi thường 569 triệu đồng. Hiện bà Nhuận đang làm việc tại Trường ĐH Y Dược Cần Thơ.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Nhuận bức xúc: “Việc nhà trường đòi tôi bồi thường số tiền trên là bất hợp lý. Tôi được chính phủ Nhật cấp học bổng, toàn bộ chi phí do chính phủ Nhật lo và Trường ĐH Cần Thơ đã có quyết định chấp nhận về việc đi học này. Tôi đi học không phải bằng tiền của Trường ĐH Cần Thơ hoặc từ ngân sách thì sao bắt tôi bồi thường”.
Theo lời bà Nhuận, trong thời gian học tập tại Nhật, Trường ĐH Cần Thơ có chuyển tổng cộng khoảng 16 triệu đồng để bà sinh hoạt. Đây là số tiền bằng 30% mức lương đối với cán bộ được cử đi học, công tác theo quy định.
Không khiếu nại nên... khởi kiện
Nói về lý do nghỉ việc, bà Nhuận cho biết sau khi đi học tại Nhật, bà về trường đúng hạn. Nhà trường có bố trí cho bà giảng dạy nhưng không cho vào hội đồng xét duyệt đề cương, luận án tốt nghiệp mà trường lại mời người khác vào thay thế với chi phí cao. Khi bà nộp đơn xin nghỉ việc, lãnh đạo nhà trường không có ý kiến gì. Đến tháng 5-2011, nhà trường đã cắt và quyết toán BHXH. “Tôi nghỉ việc là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật. Nhưng đến thời điểm này, tôi chưa hề nhận quyết định thôi việc hay buộc thôi việc” - bà Nhuận bức xúc.
Trước vụ việc trên, PGS-TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, cho biết đã có văn bản báo cáo chính thức về trường hợp của bà Nhuận đến Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bà Nhuận được trường cử đi học nghiên cứu sinh tại Nhật bằng học bổng của chính phủ Nhật.
“Căn cứ Nghị định 54/2005/NĐ-CP, Trường ĐH Cần Thơ có trách nhiệm và quyền hạn yêu cầu bà Nhuận bồi thường chi phí đào tạo để nộp vào ngân sách nhà nước. Từ khi nhận được quyết định yêu cầu bồi thường chi phí đào tạo của trường, bà Nhuận không phản hồi và không có bất cứ khiếu nại nào… vì vậy trường quyết định khởi kiện” - báo cáo nêu rõ. Ngoài ra, việc bà Nhuận được trường cử đi đào tạo tại Nhật khi về chỉ làm việc 31 tháng, thấp hơn yêu cầu rất nhiều. Bà Nhuận tiếp tục yêu cầu đi nghiên cứu sinh sau tiến sĩ vì mục đích cá nhân, hoàn toàn không xuất phát từ nhu cầu công tác của nhà trường.
Đã buộc thôi việc 30 người
PGS-TS Hà Thanh Toàn cho biết có trên 30 cán bộ đi học ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước nhưng không về hoặc về nhưng không làm việc tại trường. Những trường hợp này, trường đã ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc. Ngay con của một phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ đi học xong trở về công tác một thời gian rồi bỏ ngang. Gia đình của vị phó hiệu trưởng trên phải bồi thường gần 2 tỉ đồng.
“Đi học bằng ngân sách nhưng không về phục vụ đơn vị sẽ phải bồi thường gấp 3 lần kinh phí đưa đi đào tạo. Hiện trường đang nợ trên 10 tỉ đồng ngân sách do không thu hồi được kinh phí đào tạo của những cán bộ đi học nhưng ở lại nước ngoài” - ông Toàn nói.
Bình luận (0)