Quốc lộ 20 sẽ là cung đường chính phục vụ quá trình vận chuyển bauxite từ nhà máy Alumin Tân Rai (Lâm Đồng) về cảng Gò Dầu (Đồng Nai). Mặc dù việc nâng cấp, cải tạo đã thực hiện hơn 1 năm nhưng đến nay, con đường này vẫn chằng chịt ổ voi, ổ gà khiến người lưu thông qua đây lúc nào cũng nơm nớp lo tai nạn.
Do thiếu tiền (?)
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 20 đoạn từ ngã tư Dầu Giây, huyện Thống Nhất - Đồng Nai đến TP Bảo Lộc - Lâm Đồng dài 120 km, khởi công từ tháng 12-2011 với tổng vốn đầu tư hơn 4.600 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách, do Công ty Cổ phần BT20 thực hiện dưới hình thức xây dựng - chuyển giao.
Mục tiêu của dự án là làm cho con đường cũ kỹ, xuống cấp này có đủ độ lớn và sức chịu tải phục vụ quá trình vận chuyển bauxite, đồng thời bảo đảm nhu cầu đi lại an toàn cho người dân. Tuy nhiên, đến nay, tình trạng xuống cấp ở tuyến đường được coi là huyết mạch này vẫn chưa được cải thiện.
Một đoạn đường trên Quốc lộ 20 đi qua huyện Tân Phú - Đồng Nai chi chít ổ gà sau cơn mưa ngày 12-4
Chỉ riêng đoạn đường dài hơn 75 km chạy qua các huyện Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú - Đồng Nai vẫn đầy rẫy ổ gà, ổ voi. Mặt đường hẹp, có đoạn không đến 7 m, sờn tróc nham nhở và không có phần đường riêng cho xe máy. Một số đoạn đã thi công, cải tạo nhưng những “miếng vá” chưa kịp khô đã lại bong tróc và trở thành cái “bẫy” trên đường.
Tại huyện Thống Nhất, do hệ thống thoát nước chỉ là những con mương nhỏ, cũ kỹ nên nước xói lở thành những vũng sâu trước nhà dân. Đi qua 2 huyện Định Quán, Tân Phú, nhiều đoạn đường chưa được sửa chữa, ngày mưa biến thành ao nước còn ngày nắng bụi mù trời. Những đoạn đang thi công, cải tạo thì ngổn ngang, đường bị chắn vô tội vạ.
Đoạn nối dài từ huyện Tân Phú - Đồng Nai lên địa phận tỉnh Lâm Đồng cũng chẳng khá hơn. Nhiều đoạn cong, hẹp; ngày nắng cũng như mưa, các tài xế và người dân lưu thông dọc theo trục đường này đều thấy như… bị đày ải, cứ phải đi trong sợ hãi.
“Tôi chưa thấy kiểu thi công gì như thế này. Thời gian thì chậm chạp như rùa bò, nhiều đoạn đào bới ngổn ngang cả lên rồi để đó, có nơi thì chỉ giặm vá những ổ gà, ổ voi bằng đất và đá. Sửa kiểu đó thì sửa làm gì?”- một người dân ở huyện Định Quán than thở.
Giải thích về tình trạng thi công ì ạch này, ông Lã Chí Đức, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BT20 Cửu Long, cho biết vướng mắc lớn nhất dẫn đến thi công quá chậm chạp là do… thiếu vốn. Hiện công ty này đang vay vốn của một ngân hàng nước ngoài để kịp thi công hoàn thành đúng tiến độ.
Dân khổ, chính quyền địa phương đau đầu
Ngày 16-4, UBND và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tiếp tục làm việc với Công ty Cổ phần BT20 Cửu Long nhằm thúc đẩy tiến độ thi công và tìm ra các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông cho người dân.
Ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho rằng chủ đầu tư và các đơn vị thi công cần đẩy nhanh tiến độ vì mặc dù vẫn đang trong thời gian thi công nhưng nếu cứ đà chủ quan và làm việc không thật sự hiệu quả thì sẽ ảnh hưởng đến người dân.
Về vấn đề an toàn giao thông, đại tá Huỳnh Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, cho biết trung bình mỗi ngày có từ 20.000 - 30.000 phương tiện qua lại trên tuyến đường này. Trước đây, Quốc lộ 20 đã xuống cấp nặng nề nên từ ngày đơn vị thi công bắt đầu đào đường thì tình trạng ùn tắc và mất an toàn giao thông diễn ra phổ biến hơn. Nhiều đoạn đường đang thi công trở thành những điểm đen thường xảy ra tai nạn.
Ông Trương Văn Vở, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, đề nghị đơn vị thi công phải tính toán hợp lý, làm xong đoạn nào thì bảo đảm chất lượng và trả lại mặt đường cho đoạn đó, chứ cứ làm bùng nhùng, dàn trải thì chỉ làm khổ dân.
Không đủ điều kiện chở bauxite
Ông Nguyễn Văn Điệp, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, cho biết Quốc lộ 20 (đoạn qua Đồng Nai) dài 75,6 km, chỉ rộng từ 7-9 m, được xây dựng vào năm 1973, sau đó sửa chữa 1 lần vào năm 1998. Dự kiến đến tháng 12-2014 sẽ hoàn tất công tác cải tạo, nâng cấp tuyến đường này. Tuy nhiên, đầu quý II/2013, việc vận chuyển bauxite từ Lâm Đồng về cảng Gò Dầu đã “rục rịch” triển khai. Mặt khác, đoạn đường này có 12 cây cầu, hầu hết đã cũ và yếu, không đủ tải trọng để đáp ứng cho việc chở bauxite với đoàn xe hầu hết tải trọng trên 40 tấn.
Ông Điệp cho rằng trách nhiệm của địa phương hết sức nặng nề vì phải vận chuyển bauxite trong tình trạng cầu đường yếu như hiện nay. |
Bình luận (0)