Ngành hàng không dân dụng 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia đã thống nhất về mặt kỹ thuật để Việt Nam mở đường bay thẳng Hà Nội - TP HCM sử dụng không phận Lào và Campuchia. Hôm nay (1-11), Cục hàng không 3 nước cùng tiến hành hoàn thiện các thông số đường bay tại mỗi quốc gia.
Theo đúng tiến độ, Cục Hàng không Việt Nam vừa hoàn tất công tác nghiên cứu thiết lập đường bay thẳng Hà Nội - TPHCM sử dụng không phận Lào và Campuchia (đường bay thẳng) gửi báo cáo lên Bộ Giao thông Vận tải.
Báo cáo nêu rõ Cục Hàng không Lào và Campuchia đã đồng thuận với đề xuất của Việt Nam về thiết lập đường bay thẳng trục Bắc - Nam sử dụng không phận của 2 quốc gia này. Đây sẽ là cặp đường bay gồm 2 đường bay một chiều song song, được thiết lập theo 2 giai đoạn. Theo đó, sẽ ưu tiên thiết lập đường chiều theo hướng Nam - Bắc, từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đi Nội Bài. Dự kiến đường bay này sẽ được hoàn thành vào tháng 6-2015. Giai đoạn 2 sẽ thiết lập thêm đường bay chiều ngược lại từ Nội Bài đi Tân Sơn Nhất nằm cách đường bay đã thiết lập ở cự ly 20NM về phía Đông. Công việc này phải chia thành 2 giai đoạn vì phụ thuộc vào tần suất khai thác hiện tại và năng lực điều hành không lưu của nước bạn Lào. Việc ưu tiên mở đường bay chiều Nam - Bắc trước sẽ có lợi hơn cho các chuyến bay nội địa khác của Việt Nam từ các sân bay ở khu vực miền Trung ra Nội Bài.
Về mặt kỹ thuật, Cục Hàng không Lào và Campuchia đã nhất trí các thông số chi tiết đường bay thẳng Nội Bài - Tân Sơn Nhất sử dụng vùng trời Lào và Campuchia, bao gồm cả tên các điểm báo cáo bắt buộc (các điểm mà khi bay đến vị trí đó, phi công phải báo cáo cho kiểm soát viên không lưu về vị trí và một số thông tin khác về chuyến bay) trên ranh giới chuyển giao kiểm soát giữa Trung tâm kiểm soát đường dài. Các điểm báo cáo khác sẽ do từng quốc gia quyết định. Đồng thời, nhà chức trách hàng không 3 nước đã thống nhất được tên gọi dự kiến của đường bay mới. Mực bay (độ cao) cho phép cũng được thống nhất thực hiện ở mực bay tiết kiệm nhiên liệu nhất (mực bay tối ưu) là FL350 (khoảng 35.000 feet). Tất cả các chuyến bay khai thác thương mại thường lệ cũng không phải hiệp đồng trước khi cất cánh.
Theo tiến độ, tháng 2-2015, Cục hàng không của 3 nước tiến hành đánh giá quy trình, giải quyết các vấn đề kỹ thuật về đường bay đoạn đi qua quốc gia mình để trình bản đề xuất cuối cùng đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho ý kiến và phê duyệt. Sau đó Cục Hàng không Việt Nam chịu trách nhiệm báo cáo với văn phòng ICAO (Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế) khu vực. Ngày 25-4-2015, các quốc gia công bố quyết định cuối cùng về việc thiết lập đường bay. Trên cơ sở đó, đường bay thẳng chính thức có hiệu lực vào ngày 25-6-2015.
Vì đường bay này đi qua không phận Lào và Campuchia nên các chuyến bay sẽ phát sinh phí điều hành bay quá cảnh qua vùng trời quốc tế. Để đường bay có giá trị kinh tế, Cục Hàng không Việt Nam đã đề xuất phía Lào và Campuchia giảm sâu phí quá cảnh nhưng đến nay vẫn chưa được chấp thuận. Vấn đề này sẽ tiếp tục được giải quyết ở tầm cao hơn là Bộ Giao thông Vận tải.
Theo kết quả bay thử nghiệm, đường bay thẳng rút ngắn được 85 km về quãng đường, tương ứng với 5 phút về thời gian và 190 kg nhiên liệu. Tuy nhiên các hãng hàng không lại phát sinh khoản phí điều hành bay phải trả cho 2 nước Lào và Campuchia do sử dụng không phận của 2 nước này. Nếu tính theo mức phí hiện hành phía Lào và Campuchia đang áp dụng thì bay thẳng không đem lại giá trị kinh tế do số tiền tiết kiệm được từ giảm chi phí nhiên liệu ít hơn so với số tiền phải trả phí điều hành bay quá cảnh.
Bình luận (0)