xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đường dây huyết mạch

Bài và ảnh: PHAN ANH

Cán bộ, chiến sĩ giao - bưu luôn bảo đảm đường dây thông suốt từ Bắc vào Nam, từ Trung ương Cục miền Nam đến các chiến trường

Có lần, tôi nghe một cán bộ Bưu điện TPHCM băn khoăn rằng đơn vị này đã in nhiều sách về truyền thống của ngành nhưng có rất ít bài viết về Ban Giao - Bưu - Vận (gọi tắt là Giao - Bưu R) của Trung ương Cục miền Nam (TƯCMN). Vì vậy, khi nghe Thường trực CLB Truyền thống kháng chiến TPHCM Đỗ Doãn Bình giới thiệu ông Lê Huy Diệu (Ba Diệu) biết nhiều chuyện về liên lạc ngoại tuyến của TƯCMN, đưa thư bạch chỉ (viết chữ hóa học trên giấy, muốn đọc phải lấy hóa chất bôi lên)…, tôi liền hẹn gặp ông.
img
Ông Lê Huy Diệu viết hồi ký về Ban Giao – Bưu R

Nhiệm vụ quan trọng, hỏa tốc

Ông Ba Diệu cho biết sau khi Hiệp định Geneva được ký kết, Mỹ đã ráo riết can thiệp vào miền Nam, lùng bắt những người mà chúng cho là cộng sản. Trước tình hình đó, Xứ ủy Nam Bộ quyết định chuyển lên Phnom Penh - Campuchia. Lúc này, ngành giao - bưu được hình thành, mở đường xuống Camdal - Campuchia gặp ông Lý Kỳ Xương để tổ chức đường dây từ TƯCMN liên lạc với Phnom Penh và các tỉnh miền Nam.

“Hồi đó, những thiếu niên 14-15 tuổi nghe chuyện giao lưu liên lạc ngoại tuyến đều hăng hái đòi đi nhưng không phải ai muốn cũng được, bởi để bảo đảm bí mật và an toàn, đường dây chỉ chọn vợ chồng, anh em, con cái trong nhà” - ông Ba Diệu tiết lộ. Lúc bấy giờ, đường giao liên do ông Lý Kỳ Xương tổ chức có vợ, con và một số anh em tham gia, mỗi người nhận một nhiệm vụ riêng. Đầu năm 1957, đường dây xây dựng xong và bắt đầu đưa rước các vị Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ…

Riêng Văn phòng TƯCMN còn có đường dây A53 do ông Dương Quang Đông (Năm Đông) phụ trách, bảo đảm “chuyển tài, đưa cán” (chuyển tài liệu, đưa cán bộ), nhiều khi cả tiền, nhiệm vụ bao giờ cũng quan trọng và hỏa tốc. Trước những năm 1970, A53 hoạt động công khai ở Campuchia, mỗi người một nghề, làm ăn sinh sống hợp lệ để làm bình phong. “Tôi được ông Phan Văn Việt (chủ một tiệm may nổi tiếng ở Phnom Penh, cán bộ bí mật của A53) đưa vô làm giao liên, ban đầu thử thách dữ lắm” - ông Ba Diệu nhớ lại.

Như máu nuôi tim

Hồi ấy, trên mỗi góc giấy viết bạch chỉ đều ghi ký hiệu: 1 gạch là bình thường, 2 gạch là khẩn cấp, còn 3 gạch thì tối khẩn cấp. “Với chiến sĩ giao liên, khi thấy tài liệu bạch chỉ có ký hiệu 3 gạch là sống chết gì cũng phải mang đến nơi, đến chốn” - ông Ba Diệu khẳng định.

Người làm giao liên không chỉ dũng cảm, trung thành mà còn sáng tạo, mưu trí, linh hoạt khi đối phó với tình huống; gặp địch không được tỏ ra sợ sệt, dao động. “Giao liên là những chiến sĩ thầm lặng, không một tấc sắt trong tay nhưng phải làm tròn nhiệm vụ, giống như phải bảo đảm dòng máu để nuôi tim” - ông Ba Diệu nhận xét. Ông còn nhớ rất rõ những chuyến đi đầy gian nan và nguy hiểm để chuyển thư bạch chỉ hồi Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. “Giao liên hầu như phải chạy liên tục ngày đêm, không có giờ nghỉ vì có rất nhiều tài liệu của Quân ủy Miền gửi về Bộ Tư lệnh tiền phương” - ông Ba Diệu cho biết.

Trong những năm tháng khốc liệt ấy, sự hy sinh của một chiến sĩ giao liên tên Mười Ba đã khiến nhiều người cảm phục, tiếc thương. Đụng biệt kích trong một lần đi giao liên, Mười Ba bị thương nặng, đạn xuyên thủng ngực. Trước lúc hy sinh, anh thều thào: “Trái lựu đạn đã rút chốt sẵn, nhớ lấy kim tây cài lại (anh định đánh một đòn cuối cùng, chết chung với địch - PV). Tiền Đảng phí để trong bòng, nhớ lấy đóng giùm”. Khi anh em định xé áo để băng vết thương, Mười Ba ngăn lại: “Cái áo mới lãnh hồi chiều, để lại cho anh em mặc”, rồi thanh thản ra đi…

Lạc quan, trong sáng

Những năm trước Mậu Thân, có lúc đói đến vàng mắt, gạo chôn lâu dưới đất, đào lên nấu, không dám vo mạnh tay vì sợ nát. Đến bữa, người thì cầm ca, người chìa đĩa nhôm sứt sẹo hay muỗng dừa để anh nuôi chia lưng cơm. Thức ăn là muối pha nước, mắm ruốc kèm mớ rau rừng... Có người đói quá, mò ra rẫy của dân để mót củ mì, về còn bị kiểm điểm.

“Vậy mà, chưa bao giờ có ai kêu ca, đào ngũ; lúc nào tinh thần cũng rất lạc quan, hướng về ngày toàn thắng. Hồi đó, đô la được Trung ương chi viện nhiều lắm, chỉ gác trên mái nhà nhưng chưa từng mất một xu. Anh em mình trong sáng lắm” - bà Đặng Hồng Nhựt (Út Nhựt, cán bộ văn thư Văn phòng TƯCMN) xúc động.

Ông Ba Diệu vẫn còn nhớ như in chuyến chuyển tiền từ Phnom Penh về R vào những năm 1970. “Việc chuyển tiền lúc đó rất khó khăn. Để ngụy trang, tôi cùng anh Phan Văn Lã (Sáu Lã) phải giả làm thầu khoán. Chuyến đó chuyển về mấy chục triệu ria nhưng không mất một đồng” - ông Ba Diệu tự hào.

Linh hoạt, sáng tạo

Theo ông Tô Bửu Giám, nguyên phó chánh Văn phòng TƯCMN, suốt thời gian dài, các vị trong Thường vụ TƯCMN đều được bảo vệ tuyệt đối an toàn, không ai bị giặc bắt, bị thương hay hy sinh. “Bằng mọi cách linh hoạt, sáng tạo, từ viết bạch chỉ, đưa tài liệu qua đường giao liên công khai hợp pháp hay qua điện đài và cơ yếu, các báo cáo tình hình, chủ trương, chỉ thị của trên đều được đưa đến tận nơi an toàn, đúng thời gian quy định… Dù liên tục bị đánh phá, nhiều chiến sĩ đã anh dũng hy sinh nhưng đường dây không đứt, bảo đảm liên lạc chặt với Trung ương và các cấp, các ngành” - ông Giám cho biết.

Kỳ tới: Giữ bí mật bằng viết bạch chỉ

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo