“Đi ra Ba Đình!”
Việc chuyển lương thực hết sức nhọc nhằn nhưng không ai kêu ca mà luôn làm việc với tinh thần quyết thắng
Từ trái sang: Các ông Phan Dũng, Nguyễn Hữu Danh, Đỗ Doãn Bình và Bùi Văn Châu ôn lại một thuở hào hùng
Những năm đầu Trung ương Cục miền Nam (TƯCMN) thành lập, chuyển lương thực là công việc rất nặng nề và khó nhọc. Giai đoạn 1961-1965, việc chuyển lương chủ yếu dùng sức người mang vác, gồng gánh; 1965-1969 bằng xe đạp thồ; 1969-1973 xe bò kéo và 1973-1975 mới dùng xe cơ giới.
Máu và nước mắt
Chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Hữu Danh (Sáu Danh), thành viên đội thồ tải C17 - Văn phòng TƯCMN năm xưa, ở phường Trường Thạnh, quận 9 - TPHCM. Tại đây, tôi được gặp các ông Phan Dũng, Bùi Văn Châu - bộ phận tạp vụ Văn phòng TƯCMN những năm 1960 và ông Đỗ Doãn Bình, nguyên phó chánh Văn phòng TƯCMN. Bên tách trà thơm, những câu chuyện về tạp vụ, tải lương năm nào cứ tuôn trào...
Ông Sáu Danh còn nhớ như in chuyến tải hàng đầu tiên bằng xe đạp từ Củ Chi về căn cứ TƯCMN (R) năm 1965. “Hồi ấy, rừng Củ Chi bị rải chất độc hóa học rụng không còn lá, đất pha cát vào mùa hè nóng như đổ lửa. Đường hẹp, tôi lại mới tập chạy xe đạp nên xe cứ găm đầu xuống cát. Chạy riết mệt lả, trời lại nắng gắt, máu cam phun ra mũi, tôi tối tăm mặt mũi, vào nhà dân cấp cứu rồi tiếp tục đi” - ông Sáu Danh kể.
Có lần, đội xe thồ do ông Sáu Danh làm đội trưởng gồm 13 người từ lộ 22 đi về hướng cầu bắc ngang suối Chò gần R, đến một đoạn B52 của địch vừa rải bom dày đặc. “Xe thồ không thể qua được. Màu vàng của những quả bom bi lẫn giữa màu xanh lá rừng trông như một vườn cam chín” - ông Sáu Danh nhớ lại. Ông liền ra lệnh cho anh em tản vào công sự, còn mình bò dần vào bãi bom, nhẹ nhàng dọn từng quả một. “Có một người trong đội về trước đã hô hoán: “Sáu Danh bị bom bi nổ chết rồi!” làm cả đơn vị nhốn nháo, chị Như Bình khóc ầm ĩ… Lát sau, thấy tôi còn sống trở về, chị Như Bình nhào tới ôm chầm, mừng chảy nước mắt” - ông xúc động.
Nghĩa tình đồng đội
Đồng đội sống chung, thương yêu nhau như anh em một nhà nên nhớ tính nết, hiểu hết từng thói quen. Ông Sáu Danh kể vanh vách: “Mười Đắc (Dương Văn Đắc) với Ba Nương (Nguyễn Văn Nương) khắc khẩu, hễ làm chung với nhau là cự cãi. Tám Tú (Trần Văn Tú) thì không bao giờ cau có, cãi vã với ai; anh có kiểu cười “hàm tiếu” độc đáo, chỉ “nở” một chút chứ không bao giờ “xài” hết. Tư Chi (Nguyễn Văn Chi) chậm chạp nhưng kỹ lưỡng, quần áo phát sao thì mọi người mặc vậy nhưng anh lại rị mọ tháo chỉ hết rồi cắt xén, may tay cho vừa vặn. Còn Sáu Ngòi (Nguyễn Văn Ngòi) khi đi thồ tải, hễ đoàn nghỉ chân, vừa nằm xuống anh đã ngáy, đoàn đi thì anh thức dậy liền, không cần ai gọi”.
Với ông Phan Dũng, những ngày tháng làm lính tạp vụ ở Văn phòng TƯCMN để lại nhiều kỷ niệm không thể nào quên. Ông Dũng nhớ nhất là chuyện của một người trong đội tên Hải “điếc”. “Có lần tải gạo bằng xe thồ, chúng tôi biết Hải lãng tai nên dặn: “Khi nào tụi tao lao xe vào bụi cây là có máy bay địch, mày phải làm theo, không nó bắn chết”. Lựa lúc Hải “điếc” đến đoạn toàn dây mắc cỡ, tụi tôi liền đẩy xe lủi vào bụi cây, anh cũng đẩy theo, vướng gai mắc cỡ rướm máu. Chơi vậy cũng hơi ác nhưng ai nấy đều vui, kể cả Hải “điếc”, để quên hết mệt nhọc” - ông tâm sự.
Nặng nề bỗng nhẹ tênh
Đến giờ, ông Sáu Danh vẫn nhớ mãi nghệ thuật phát động phong trào của ông Nguyễn Văn Đậu (Bảy Xuội), Phó Văn phòng TƯCMN lúc bấy giờ. Ông Bảy Xuội có cô con gái rượu Nguyễn Thị Mẫn (từng là phó giám đốc Sở Y tế TPHCM), đẹp người, đẹp nết lại học giỏi. Đầu năm 1962, chị Mẫn về công tác y tế tại Văn phòng TƯCMN khiến biết bao chiến sĩ thầm thương trộm nhớ. Biết chuyện, ông Bảy Xuội tuyên bố: “Đứa nào tải được bao gạo 50 kg, tao gả con gái cho”. “Giải thưởng “con rể” đã tạo khí thế tải gạo bừng bừng. Không bao lâu, những bao gạo 50 kg cứ phăng phăng về đích” - ông Sáu Danh thán phục.
Làm ở bộ phận tạp vụ, chuyện mua đồ ăn của ông Bùi Văn Châu cũng lắm bi hài. Có lần làm nhiệm vụ ở gần biên giới Campuchia, do không biết tiếng nước bạn, khi đi mua con cá trê, ông dùng hai tay ra hiệu hai cọng râu cá. Những người bán gục gặc rồi dắt ra… một con trâu! Bí quá, ông đành vẽ con cá trê xuống đất, lúc này họ mới hiểu. “Muốn mua trứng gà thì vẽ vòng tròn rồi nhảy vô trong, miệng cục ta cục tác. Có lần đi mua sữa bò, tôi ra hiệu bằng cách dùng lon kê dưới ngực làm mấy cô bán hàng vừa thẹn vừa mắc cười” - ông Châu hồi tưởng.
Vinh dự nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Văn phòng Trung ương Cục miền Nam và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân đã diễn ra trọng thể tại Hội trường TPHCM vào sáng 26-4. Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, đã nhiệt liệt chúc mừng Văn phòng Trung ương Cục nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân và yêu cầu Văn phòng Trung ương Đảng tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công tác tham mưu, phục vụ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn cách mạng hiện nay. |
Kỳ tới: Đường dây huyết mạch
Bình luận (0)