Trưởng Ban Đô thị HĐND TP HCM Trương Trung Kiên cho biết UBND TP đã phân cấp cho quận, huyện quản lý lực lượng thu gom rác nhưng nhiều nơi chưa làm tốt.
Chuẩn hóa đường dây rác dân lập
Theo ông Kiên, việc thu phí vệ sinh và phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn thông thường còn gặp nhiều khó khăn. Số lượng chủ nguồn thải chưa được thống kê đầy đủ, số phí thu còn thấp. Mức phí thu gom rác chủ yếu là sự thỏa thuận giữa chủ nguồn thải và người thu gom, gây nên tình trạng không thống nhất giữa các hộ dân cùng địa bàn dân cư. Trong khi đó, các quận - huyện cũng chưa có biện pháp chế tài đối với các chủ nguồn thải không đóng phí và những người thu phí quá cao so với quy định.
Thu gom rác ở huyện Củ Chi, TP HCM Ảnh: SỸ ĐÔNG
Đại biểu HĐND TP Lê Thị Ngọc Thanh cũng phản ánh việc thu gom rác ở địa bàn dân cư thông qua các đường dây dân lập hiện chính quyền địa phương không quản lý được. "Có những nơi 2-3 ngày họ mới đi thu gom một lần, dẫn đến tình trạng rác ứ đọng ở nhà dân. Ngoài ra, mức giá thu gom là sự thỏa thuận giữa chủ đường dây và người dân nên không kiểm soát được. Hiện nay, số thu thực tế không phải 15.000 đồng/tháng/hộ mà trung bình là 25.000 đồng/tháng/hộ" - bà Thanh nêu.
Từ thực tế trên, bà Thanh kiến nghị phải làm sao chấn chỉnh tình trạng này; đồng thời chuẩn hóa đường dây rác dân lập theo mô hình hợp tác xã, công ty; chuẩn hóa về cả phương tiện, cách thức giao dịch đối với người dân. Còn đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP, cho rằng chính quyền địa phương phải nâng cao trách nhiệm của mình trong quản lý đường dây rác dân lập. "Khi nhiều cử tri ở phường Cát Lái, quận 2 phản ánh đường rác dân lập lấy rác không đúng giờ quy định thì chủ tịch phường lập tức mời chủ đường rác dân lập này lên làm việc. Chủ tịch phường Cát Lái rất quyết liệt, không ký hợp đồng nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra" - bà Nhung kể và cho rằng đây là việc làm rất có trách nhiệm của chính quyền.
Theo bà Nhung, làm được việc trên thì người dân sẽ bỏ rác đúng giờ, đường dây rác đi thu gom đúng giờ, dẫn đến ô nhiễm môi trường ở địa bàn dân cư sẽ hạn chế. "Sắp tới, cần công khai đấu thầu thu gom rác. Nếu nhà thầu tốt, đáp ứng được tiêu chuẩn thu gom rác thì cho làm và có sự giám sát, đánh giá hằng năm" - bà Nhung đề xuất.
Cần xã hội hóa
Ông Trương Trung Kiên nhìn nhận điều cần quan tâm ở các đường dây thu gom rác dân lập là nhà nước không quản lý được nên không thu được thuế từ hoạt động này, cũng như không kiểm soát được chất lượng dịch vụ. "Mục tiêu đặt ra là làm sao thu được tiền và bảo đảm chất lượng nên phải tổ chức lại" - ông Kiên nói và đề nghị kêu gọi đầu tư, xã hội hóa việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn thông thường; đồng thời, xây dựng cơ chế chính sách quản lý và hỗ trợ lực lượng thu gom rác dân lập trong chuyển đổi mô hình hoạt động. Theo ông Kiên, lộ trình đến tháng 1-2019, toàn bộ hệ thống thu gom rác dân lập sẽ chuyển đổi thành các hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân. "Thông qua tư cách pháp nhân, nhà nước sẽ thu được tiền và xử lý được tránh nhiệm" - ông Kiên khẳng định.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, cho biết hiện việc quản lý các đường dây thu gom rác dân lập đã ủy quyền cho cấp quận - huyện bởi địa phương là nơi nắm rõ tình hình nhất và từ đó có những điều chỉnh phù hợp. Năm 2017, sở sẽ tập trung tuyên truyền ý nghĩa việc phân loại rác tại nguồn các công ty, trường học, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, bệnh viện, khu công nghiệp, chợ... Còn hộ dân tập trung triển khai bước một tại các quận 1, 3, 5, 6, 12. Các năm tới sẽ phổ biến các quận, huyện còn lại, làm sao bảo đảm đến hết năm 2020, tình trạng thu gom và phân loại rác tại nguồn cơ bản thực hiện tốt.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 8-5
Mạnh tay xử lý, chấn chỉnh
Một chủ tịch UBND xã thuộc huyện Bình Chánh, TP HCM cho biết những năm 2014-2015, các đường dây thu gom rác phần lớn là đối tượng "xã hội đen" đứng ra vận hành, ai thầu lại đều bị chúng đe dọa. "Cán bộ đô thị xã lên tiếng thì chúng thách thức; còn việc thu gom rác rất phức tạp, thích thì làm, không thì thôi" - vị này thông tin.
Trước việc đơn tố cáo ngày càng nhiều, cuối năm 2015, ông Nguyễn Văn Phụng, Bí thư Huyện ủy Bình Chánh, đã tổ chức họp với các lãnh đạo UBND xã để tìm hiểu nguyên nhân. Tại đây, một cán bộ cho biết rất lo sợ khi thu gom rác là đối tượng "xã hội đen", sẵn sàng uy hiếp những ai giành địa bàn. Nghe vậy, vị Bí thư Huyện ủy đã tập hợp các phòng, ban, đơn vị liên quan và đưa ra giải pháp chấm dứt hợp đồng với những người đang thu gom rác, chuyển cho tổ thu gom rác do Hội Phụ nữ đảm nhận.
Tuy nhiên, một chủ tịch UBND xã cho rằng không thể đổi đơn vị thu gom rác khác được. Nếu muốn đổi phải chi tiền lại cho nhóm thu gom rác cũ từ 200-300 triệu đồng vì họ rất hung dữ và sẵn sàng trả thù. Sau khi phê bình phát ngôn của vị chủ tịch UBND xã, ông Phụng đã đưa ra hàng loạt giải pháp, quy chế để tạo điều kiện cho các đơn vị thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đứng ra thu gom rác. Cụ thể, chia tiền thu gom rác cho các hội viên hội phụ nữ để trả công sức lao động, tiền xăng, tiền trang phục bảo hộ, đồng thời phối hợp lực lượng công an xử lý các đối tượng côn đồ.
Nhìn lại hơn 2 năm chấn chỉnh các đường dây rác dân lập, Bí thư Huyện ủy Bình Chánh đánh giá: "Tình trạng thu gom rác bát nháo không còn nữa. Đã có nhiều hội viên hội phụ nữ là "tai mắt" của cảnh sát môi trường trong việc ngăn chặn nhiều vụ xả rác trộm".
Bình luận (0)