Thời gian qua, Báo Người Lao Động nhận được nhiều đơn khiếu nại của các công ty thu gom rác dân lập ở huyện Củ Chi, TP HCM về việc chính quyền địa phương yêu cầu phải ký hợp đồng với UBND xã mới được thu gom rác.
Vận động thêm phí thu gom
Ở TP HCM, ngoài các công ty dịch vụ công ích có chức năng thu gom rác thì còn các đường dây rác dân lập. Sau năm 2008, chủ các đường dây rác này thành lập công ty để có đủ tư cách pháp nhân và thu phí trực tiếp của người dân theo quy định. Nhưng từ cuối năm 2016, nhiều công ty nhận được thông báo phải ký hợp đồng với UBND xã mới được thu gom rác.
Bà Đặng Thị Hoa, Giám đốc Công ty Thu gom rác Kim Anh, cho biết từ năm 2008, công ty chịu trách nhiệm thu gom rác ở 7 ấp thuộc xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi và được xác nhận của chính quyền địa phương. Trước đó, bà Hoa đã mua lại đường dây rác này qua hình thức giấy tay. Đến năm 2010, theo hướng dẫn của TP về việc thành lập công ty để trở thành pháp nhân thì mới thu tiền trực tiếp từ người dân, bà Hoa thành lập công ty thu gom rác. Từ đó đến nay, công ty của bà thu gom rác cho hơn 1.200 hộ dân.
Thu gom rác thải tại huyện Củ Chi, TP HCM
Theo Quyết định 88/2008 của UBND TP về thu phí vệ sinh và phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn thông thường, các công ty thu gom rác chỉ được thu phí ở những hộ dân ngoại thành như sau: nhà mặt tiền 15.000 đồng/tháng và trong hẻm là 10.000 đồng/tháng. Bà Hoa cho rằng mức giá này không đủ để chi trả nhân công, tài xế và xăng dầu. "Thuê 5 nhân công thu gom và lái xe hết 30 triệu đồng/tháng, nếu thu phí 15.000 đồng/tháng của 1.200 hộ thì mỗi tháng chỉ được 18 triệu đồng, lỗ là cái chắc. Để bù đắp và có lời, chúng tôi đã vận động người dân đóng thêm tiền và mức phí hiện nay là 25.000 - 30.000 đồng/tháng" - bà Hoa nói.
Ông Trương Văn Nghiệp - chủ đường dây rác ở xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi - cho biết đặc thù ở huyện Củ Chi chỉ có một bô rác (điểm tập kết rác) nên các xã ở xa, mỗi lần chở rác về điểm tập kết này thì tốn nhiều tiền xăng dầu. Đơn cử, ông Nghiệp phải chở rác một đoạn đường dài hơn 30 km, có ấp còn cách xa đến 35 km mới đến được điểm trung chuyển. "Mặt khác, địa bàn ngoại thành dân cư thưa thớt, nhiều hẻm phải đi cả trăm mét mới lấy được bao rác" - ông Nghiệp kể.
Cũng ở xã Bình Mỹ, ông Lê Trọng Cương, chủ một đường dây rác, cho rằng nếu ký hợp đồng với xã thì chỉ thu theo giá của Quyết định 88 vốn thấp hơn thực tế, chủ đường dây rác sẽ bị thua lỗ. Chưa kể, xã yêu cầu phải thay đổi phương tiện thu gom, đầu tư xe tải trong khi lợi nhuận bị cắt giảm sẽ khiến các công ty thu gom đứng trước nguy cơ phá sản. Các chủ đường dây rác cũng lo ngại tài sản là đường dây rác vốn được mua lại bằng giao dịch không chính thống sẽ bị mất khi UBND xã không ký hợp đồng tiếp trong các năm tới. "Nếu xã muốn lấy lại đường dây rác thì phải trả tiền mà tôi đã bỏ ra mua và phát triển thêm, sau đó muốn đấu thầu hoặc thuê chúng tôi cũng được" - ông Cương đề xuất.
Phát sinh nhiều vấn đề
Bà Lê Thị Nên - chủ đường dây rác ở xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi - không đồng ý giao UBND xã thu tiền rác nên xã đã cho lực lượng rác dân lập khác thu gom. Ngày 27-2, bà Nên làm việc với UBND xã, yêu cầu giao lại đường dây rác nhưng không được đồng ý. Bà Phan Thị Riếu - chủ đường dây rác ở các xã Tân Phú Trung, Phước Vĩnh An và Tân Thông Hội, huyện Củ Chi - cũng không đồng ý ký hợp đồng với UBND xã vì bị "dính" điều khoản để xã thu phí. Một số đường dây rác tiếp tục thu gom thì xảy ra tranh chấp với lực lượng mới và công ty dịch vụ công ích của huyện. Bà Riếu cho biết không thu được tiền rác tháng 2 vừa qua do thông báo của UBND xã Tân Thông Hội. Ở xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, ông Nguyễn Thái Bình may mắn hơn khi thu được 60% tổng số hộ thu gom trực tiếp của tháng 1, còn tiền tháng 2 vẫn không thu được bởi thông báo không đóng tiền trực tiếp cho người thu gom của xã.
Đầu tháng 3-2017, lãnh đạo huyện Củ Chi làm việc với các xã, thị trấn về thực hiện Quyết định 88/2008 của UBND TP. Theo nhận định của huyện, việc thực hiện quyết định này chưa được quản lý chặt chẽ dẫn đến thu gom rác thải chưa đạt yêu cầu. UBND các xã, thị trấn còn giao cho đơn vị dân lập thu phí nên phát sinh tình trạng thu và nộp phí bảo vệ môi trường không đúng, không đủ theo quy định. Bên cạnh đó, lịch trình thu gom không đúng quy định, không thông báo rõ thời gian thu gom rác cho người dân biết. Đặc biệt, vẫn còn xảy ra tình trạng bỏ địa bàn, thu gom rác không kịp thời, gây ô nhiễm môi trường.
Từ thực trạng trên, UBND huyện Củ Chi yêu cầu các xã phải thực hiện đúng tinh thần của Quyết định 88/2008. UBND các xã, thị trấn tổ chức họp dân, tuyên truyền vận động đến từng hộ gia đình nắm rõ mức phí thu, thời gian thu gom rác; tổ nhân dân, tổ dân phố thu phí trực tiếp từ hộ dân chứ không để đơn vị dân lập tự thu phí như trước đây.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dù không được lấy tiền thu gom rác từ người dân, UBND xã cũng trả tiền mà người dân nộp nhưng chủ các đường dây rác vẫn tiếp tục thu gom rác cho người dân để giữ đường dây rác của mình. Ở những đường dây rác được giao lại cho công ty dịch vụ công ích thì việc thu gom chỉ thực hiện ở các tuyến đường lớn, nơi ô tô đi vào được. Tại các tuyến hẻm, rác của người dân vẫn phải chất đống cả tuần mà chưa có đơn vị đến thu gom. Vì vậy, nhiều hộ dân đã phải "cầu cứu" chủ các đường dây rác dân lập khác ở những ấp bên cạnh đến thu gom. Tuy nhiên, chủ một đường dây rác ở xã Bình Mỹ cho biết địa bàn thu gom đã được phân chia rõ ràng, quy ước ngầm là không đụng địa bàn của nơi đã có chủ.
Ngoài đơn vị thu gom là công ty dịch vụ công ích, nhiều xã còn giao đường dây rác cho các đơn vị thu gom khác. Tuy nhiên, một số đơn vị thu gom mới không chở rác đến điểm tập kết mà tự ý xây bô rác trong khu dân cư. Đơn cử như ở xã Tân Thạnh Đông, chủ đường dây rác được xã giao đã xây một bô rác lộ thiên ở hẻm 251 Nguyễn Kim Cương, ấp 7, gây ô nhiễm môi trường. Điểm tập kết "chui" này được quây lại bởi tường gạch cao khoảng 1 m để chứa rác rồi chờ xe thu gom của công ty dịch vụ công ích đến chở ra bãi. Với cách làm này, chủ đường dây rác sẽ tiết kiệm được chi phí chở rác đến điểm tập kết nhưng lại khiến cư dân xung quanh sống trong ô nhiễm.
Thẩm quyền thuộc huyện giải quyết
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM, cho biết đã tiếp nhận đơn của chủ các đường dây rác về việc quy định phải ký hợp đồng với UBND xã. Nhận thấy vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện Củ Chi nên sở đã chuyển đơn về huyện và đề nghị báo cáo khi giải quyết xong.
Ngày 1-3, Sở TN-MT đã ghi nhận ý kiến theo đơn khiếu nại tập thể của lực lượng rác dân lập huyện Củ Chi cũng như có ý kiến hướng dẫn. Trước mắt, đề nghị các đơn vị chấp hành quy định của địa phương, nội dung làm việc phải thể hiện bằng văn bản. Theo hướng dẫn của Quyết định 88, các đơn vị có tư cách pháp nhân đang thu gom rác được thu phí từ các chủ nguồn thải; được chính quyền địa phương xác nhận danh sách hộ dân, chủ nguồn thải do đơn vị thu gom trên địa bàn. Sở TN-MT đề nghị các đơn vị thu gom rác làm việc với UBND các xã để được xem xét, giải quyết. Đồng thời, sở sẽ làm việc với UBND huyện Củ Chi về nội dung khiếu nại và phản hồi cho các chủ đường dây rác.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 8-5
Kỳ tới: Đấu thầu công khai
Bình luận (0)