Sáng 15-3, tiếp tục phiên họp thứ 8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật đường sắt (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga đề nghị làm rõ trách nhiệm của chính quyền và trách nhiệm của ngành đường sắt trong việc để mở đường ngang dân sinh trái phép, bởi thời gian vừa qua nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra.
“Đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) báo cáo rõ hơn về số đường ngang dân sinh hiện nay và thực trạng thời gian vừa qua thế nào. Trách nhiệm thuộc các cơ quan thế nào, có vướng luật không, do luật hay do quản lý nhà nước. Nếu quản lý nhà nước để đường ngang dân sinh mở nhiều thế này (gần 6.000 đường ngang) thì trách nhiệm thuộc về ai, luật có giải quyết dứt điểm được vấn đề không?”- bà Nga nêu vấn đề.
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, cho biết hiện cả nước có 5.726 đường ngang dân sinh và lối đi dân sinh, trong có 1.511 đường ngang hợp pháp. Trong số 1.511 đường ngang hợp pháp này thì 645 đường ngang có người gác, rào chắn; 363 đường ngang đã lắp cần chắn tự động, 507 đường ngang bố trí biển báo cảnh báo. Trong thời gian tới, Tổng Công ty đã báo cáo Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ để thực hiện 507 đường ngang có biển báo này được lắp cần chắn tự động.
Bên cạnh đó, ông Minh cho biết hiện còn 4.211 lối đi dân sinh. Theo quy định Luật Đường sắt, đây là đường ngang trái phép, không được cấp có thẩm quyền cấp, do vậy các đường này hầu hết không có cảnh báo.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng luật xây dựng không tính đến các đường dân sinh, đó là sẽ làm rào chắn hay là làm đường gom - tức là tính đến nhu cầu đi lại của người dân ở những nơi có đường sắt đi qua. Vì vậy, luật này cần tiến bộ hơn nữa nhằm giải quyết cho được câu chuyện đường dân sinh trái phép.
“Nếu đường ngang dân sinh trái phép ở khu dân cư mà dân thực có nhu cầu đi lại và không thể xoá bỏ được thì chúng ta phải có giải pháp, bởi hiện nay tai nạn chủ yếu xảy ra ở những đường ngang trái phép”- Chủ tịch QH nhấn mạnh.
Do vậy, Chủ tịch QH đề nghị nhà nước ban hành luật thì cũng phải giải quyết những bất cập này. “Chúng ta chỉ nói đường ngang đó là trái phép nhưng không có giải pháp thì không được. Luật nghiêm cấm mở đường dân sinh trái phép, nhưng những nơi thực sự có nhu cầu thì nhà nước phải đầu tư thế nào, chúng ta phải tính”- bà Ngân lưu ý.
Ngoài ra, để giảm tai nạn giao thông đường sắt, Chủ tịch QH cũng đề nghị luật phải quy định nghiêm. “Nơi nào mà chính quyền để mở đường dân sinh trái phép thì phải xử lý kỷ luật ngay chủ tịch xã, chủ tịch huyện, chủ tịch tỉnh ở địa phương đó thì mới được”- bà Kim Ngân nhấn mạnh.
Giải trình thêm điều này, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cho biết thời gian qua có nhiều vụ tai nạn giao thông đường sắt thảm khốc và việc mở đường ngang dân sinh cũng diễn ra rất tuỳ tiện.
“Do đó theo trong luật cũng sẽ làm rõ trách nhiệm của địa phương, không thể cứ mở đường ngang dân sinh một cách tuỳ tiện. Do đó sẽ tiếp thu các ý kiến để luật hoá trách nhiệm của địa phương trong luật này, nếu không sẽ không thể quản nổi”- ông Nghĩa nói.
Bình luận (0)