Eo biển Malacca - điểm nóng của các vụ hải tặc. Ảnh: Vietnam plus
Theo ông Thu, eo biển Malacca - nơi diễn ra 2 vụ cướp biển tấn công tàu Việt Nam gần đây - là một trong những điểm nóng trên cung đường vận chuyển dầu bằng tàu thủy. Vùng biển phía Nam biển Đông hết sức phức tạp, liên tục xảy ra các vụ cướp. Khu vực eo biển Malacca tiếp giáp vùng biển nhiều nước như Indonesia, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Philippines, Thái Lan. Cướp biển và cướp biển có vũ trang hoạt động thường xuyên ở khu vực này.
Ông Thu cho biết Cảnh sát biển Việt Nam đã nhiều lần khuyến cáo các hãng tàu vận tải trong nước, đặc biệt là tàu chở dầu, khi rời cảng ở Singapore nên đi qua khu vực biển này vào ban ngày vì hầu hết cướp biển tấn công buổi tối, là lúc thuyền viên dễ mất cảnh giác nhất, khi phát hiện thì không kịp phản ứng. Ngoài ra, các tàu phải tổ chức lực lượng trực tàu chặt chẽ, khi có dấu hiệu khả nghi cần báo động ngay cho các lực lượng chức năng để được hỗ trợ, tránh để cướp biển xâm nhập lên tàu.
Trả lời về việc hầu hết các tàu vận tải đều trang bị hệ thống thông tin liên lạc hiện đại, tại sao bọn cướp vẫn có thể dễ dàng xâm nhập, khống chế, ông Thu nói đây là một trong những điều cần phải điều tra, xem xét vì sao các thuyền trưởng và thủy thủ không kịp bấm nút báo động.
“Đây là trách nhiệm của thuyền trưởng và kíp thủy thủ trực. Nếu phát hiện cướp biển lên tàu sớm, chỉ cần ấn nút báo động thì các trung tâm hàng hải và các cơ quan chống cướp biển của các nước trong khu vực sẽ phát hiện được và hỗ trợ ngay” - ông Thu khẳng định.
Các hãng vận tải cần thường xuyên tập huấn về kỹ năng sử dụng thiết bị cảnh báo, cảnh giới. Đối với tàu có lượng giãn nước dưới 5.000 tấn, phải hết sức cảnh giác, đặc biệt là những tàu chở dầu, vì tàu chở dầu thường có mạn thấp, cướp biển rất dễ tiếp cận để leo lên.
“Vì đây là vùng biển của nước khác nên Cảnh sát biển Việt Nam không thể tiếp cận, chỉ có thể phối hợp, đề nghị giúp đỡ, ứng cứu tàu Việt Nam bị nạn” - ông Thu nói và cho biết Cảnh sát biển Việt Nam là đầu mối của Việt Nam trong việc chia sẻ thông tin về cướp biển và cướp có vũ trang trên biển khu vực châu Á. Tuy nhiên, việc phối hợp giữa các nước vẫn còn hạn chế. Trong khu vực, còn 2 nước là Indonesia và Malaysia không tham gia vào Trung tâm Chống cướp biển, cướp có vũ trang khu vực châu Á. Đây là một trong những nguyên nhân khiến công tác đấu tranh chống cướp biển gặp khó khăn.
Một lãnh đạo Phòng An toàn hàng hải thuộc Cảng vụ Hải Phòng cho biết khu vực thường xuyên xảy ra cướp biển chỉ cách Văn phòng An ninh hàng hải quốc tế (đặt tại Malaysia) vài chục hải lý. Theo vị này, dù trên tàu có trang bị radar, hệ thống nhận dạng tự động cũng không thể phát hiện được chiếc canô nhỏ, chạy với tốc độ cao của bọn cướp biển. Để đối phó, khi đi qua khu vực thường xuyên xuất hiện bọn cướp, thuyền trưởng phải cắt cử người cảnh giới phần đầu và mũi tàu, chuẩn bị cả vòi rồng sẵn sàng chống trả khi phát hiện ra chúng.
Tàu trang bị đầy đủ hệ thống báo động
Đại diện Công ty CP Vận tải Hóa dầu VP cho biết tàu VP Asphalt 2 là một trong những tàu vận chuyển nhựa đường lỏng tốt nhất hiện nay tại Đông Nam Á. Trên tàu trang bị đầy đủ hệ thống thông tin liên lạc, báo động bị nạn. Khi cướp biển xuất hiện, công ty có nhận được tín hiệu SOS từ tàu nhưng phải xác minh và chỉ đến khi thuyền trưởng liên lạc qua hệ thống thông tin, đơn vị mới đủ cơ sở khẳng định tàu bị cướp. Khi phóng viên yêu cầu được xem tín hiệu SOS của tàu VP Asphalt 2 phát về, vị này từ chối với lý do “đây là vấn đề an ninh, bảo mật của công ty”.
Bình luận (0)