Nhiều đại biểu (ĐB) đã chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà về trách nhiệm trong việc để Formosa xả thải gây ô nhiễm và đề nghị bộ trưởng khẳng định liệu Formosa có tiếp tục gây ô nhiễm nữa hay không trong phiên họp ngày 15-11.
Cử tri vẫn thiếu niềm tin
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho hay mặc dù cử tri đánh giá cao giải pháp của các bộ, ngành trong việc giải quyết hậu quả sự cố môi trường biển miền Trung do Formosa gây ra nhưng cử tri vẫn thiếu niềm tin, băn khoăn không chỉ cho thế hệ hiện tại mà cả thế hệ tương lai về những ảnh hưởng của dự án này. “Bộ trưởng cho biết cơ sở nào bảo đảm Formosa không gây ảnh hưởng đến môi trường trong thời gian tới?” - ĐB Phương đặt câu hỏi.
Trả lời, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh đây là nhiệm vụ mà Bộ TN-MT, Chính phủ rất quan tâm, dồn hết sức để giải quyết. Riêng với Formosa, Bộ TN-MT là cơ quan chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Bộ TN-MT đã thành lập một hội đồng liên ngành bao gồm các nhà khoa học các viện có uy tín trong cả nước để cùng nhau xem xét và đánh giá kế hoạch yêu cầu phía doanh nghiệp (DN) phải có biện pháp khắc phục và lộ trình xử lý cụ thể, triệt để.
Bộ TN-MT đã yêu cầu DN đáp ứng theo đúng Tiêu chuẩn Việt Nam, nếu tiêu chí nào chưa có Tiêu chuẩn Việt Nam thì đáp ứng theo tiêu chuẩn cao nhất theo thông lệ quốc tế. Cụ thể, yêu cầu Formosa đáp ứng quy trình xử lý nước thải công nghiệp, sinh hóa… phát sinh từ nhà máy luyện cốc, cảng của Formosa. Đồng thời, yêu cầu có hồ để ứng phó sự cố; yêu cầu tất cả thiết bị tự động quan trắc đầy đủ thông số chuyển thẳng về sở và Bộ TN-MT...
ĐB Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cũng nêu câu hỏi: Với trách nhiệm của bộ trưởng, nếu để Formosa tiếp tục vi phạm cần xử lý thế nào? Ngoài ra, các ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu), Nguyễn Phước Lộc (TP HCM) cũng truy trách nhiệm của cá nhân Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng như các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc đã để Formosa xả thải gây ô nhiễm, đồng thời đề nghị bộ trưởng đưa ra những giải pháp.
Kiểm soát những “quả bom” môi trường
ĐB Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng) cho biết hiện nay có rất nhiều khu công nghiệp, nhà máy đã hoặc sắp đầu tư áp sát bờ sông Hậu. Đó không chỉ là dự án sản xuất bột giấy do Công ty TNHH Giấy Lee & Man đầu tư tại tỉnh Hậu Giang, mà còn hàng chục khu công nghiệp của các tỉnh, thành trong khu vực từ Cần Thơ đến An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp.
“Đề nghị bộ trưởng cho biết giải pháp chủ động phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, đặc biệt là không để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng tại các dự án này” - ông Tùng nêu.
“Chúng tôi cần có cái nhìn tổng thể với sông Hậu, với ĐBSCL và chúng tôi cho rằng cần phải có ngay quy hoạch tổng thể cho vùng, để có phân bổ, sử dụng nguồn nước phù hợp lưu vực sông này”- Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Với các DN hoạt động ở khu vực này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho rằng sẽ đưa ra các quy chuẩn về môi trường và buộc họ phải tuân thủ. Theo đó tiến hành rà soát lại toàn bộ các cơ sở đang sản xuất, kinh doanh cũng như đang chuẩn bị đầu tư ven sông, kể cả về vấn đề công nghệ, quá trình xử lý chất thải; có biện pháp kiểm tra, giám sát xả thải, để bảo đảm giảm tối đa việc gây ô nhiễm hay gây ra sự cố.
Nhiều ĐB cũng đã chất vấn về vấn đề tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng ở vùng nông thôn, nhiều dòng sông bị bức tử do tình trạng xả thải bừa bãi cũng như yêu cầu phải đánh giá việc gây ô nhiễm của những nhà máy nhiệt điện than.
Hôm nay, 16-11, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà tiếp tục giải trình các vấn đề ĐB nêu ra.
Băn khoăn chuyện cách chức ông Vũ Huy Hoàng
Cùng ngày, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết Ban Cán sự Đảng Chính phủ sẽ họp để xem xét vấn đề liên quan đến quy trình xử lý kỷ luật đối với ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương.
“Bộ Nội vụ đã báo cáo đề xuất phương án xử lý nhưng phải bàn, chưa quyết được. Phải cùng thảo luận để thống nhất phương án báo cáo Ban Bí thư, Bộ Chính trị chứ không thể nói bây giờ là cách chức được, rất thiếu khả thi” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhận định.
Theo Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, việc kỷ luật phải bảo đảm đúng pháp lý. “Bây giờ nói là cách chức bộ trưởng thì tính pháp lý của tất cả những văn bản người ấy đã ký ban hành suốt thời gian đó thế nào, còn tư cách bộ trưởng không? Cần phải tính biện pháp nào cho phù hợp để đồng bộ giữa quyết định xử lý kỷ luật bên Đảng với bên chính quyền và cũng phải đúng với quy định, pháp lý nữa” - ông Mai Tiến Dũng phân tích.
Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cũng quán triệt quan điểm phải làm sớm. Việc xem xét các đề xuất xử lý rất thận trọng vì việc này chưa có tiền lệ. Đặc biệt là thể chế, pháp luật có gì chưa rõ thì phải bổ sung rồi thực hiện để chuẩn mực về pháp lý. “Cái gì chưa có thì phải bổ sung vì không phải chỉ để xử lý trường hợp này mà còn các trường hợp khác về sau nữa” - ông Mai Tiến Dũng nói.
N.Quyết
Bình luận (0)