Tính đến 16 giờ ngày 28-2, Ban Giám đốc Bến xe Miền Đông đã nhận được thông báo của 24/240 doanh nghiệp (DN) vận tải đề xuất mức tăng giá vé từ 15% – 20% và áp dụng từ ngày 1-3. Theo ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông, hầu hết các DN tăng giá vé đều là DN vừa và nhỏ, ít chuyến như HTX Đông Bắc, HTX Trung Nam, HTX Vận tải và Du lịch Miền Đông... DN Kumho SAMCO cũng có kế hoạch tăng giá vé tuyến TPHCM đi Phan Thiết trung bình 10.000 đồng/vé từ ngày 4-3, riêng tuyến TPHCM đi Bà Rịa tăng thêm 5.000 đồng/vé từ ngày 9-4.
Đại diện DN Phương Trang cho biết toàn DN hiện có 500 xe, chạy hơn 15 tuyến tại 2 Bến xe Miền Đông và Miền Tây. Để hỗ trợ hành khách trong thời điểm này, kế hoạch tăng giá vé sẽ áp dụng sau ngày 7-3 và mức tăng trung bình từ 10% – 15%, tùy tuyến. “Việc tăng giá vé là không thể tránh khỏi bởi chi phí xăng, dầu tăng đến 24%” - đại diện nhà xe này cho biết. Nhiều hãng xe khác như Mai Linh, Thuận Thảo, Chín Nghĩa, Sao Vàng... cũng đang có kế hoạch tăng giá cước trong tuần này.
Riêng các hãng taxi đã bắt đầu áp dụng mức cước mới từ ngày 28-2. Ông Tạ Long Hỷ, đại diện hãng taxi Vinasun, cho biết do chờ việc kiểm định đồng hồ cước nên mới chỉ có hơn 1.000 xe của hãng áp dụng giá mới: Tăng 1.500 đồng/km đối với chuyến xe có cự ly dưới 30 km, giá cước trung bình từ 13.500 – 14.500 đồng/km. Dự kiến trong tuần này, hàng ngàn xe taxi của hãng Vinasun sẽ áp dụng theo giá cước mới. Tương tự, hãng taxi Mai Linh cũng có thông báo về việc áp dụng giá cước mới từ ngày 28-2, giá cước mới trung bình từ 13.200 – 14.500 đồng/km. Hãng Vinataxi cũng tăng 1.500 đồng/km, áp dụng sau ngày 6-3.
Không chỉ taxi, xe đò mà hiện tại nhiều DN vận tải hàng hóa cũng đang thương thảo với khách về việc tăng giá cước. Theo ông Thái Văn Chung, Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, việc tăng giá cước tại thời điểm này được hầu hết các DN vận tải đồng ý. Hơn 100 DN thuộc hiệp hội đều có kế hoạch tăng giá cước, mức tăng trung bình từ 15% – 20% tùy hàng rời hay nguyên container.
Bình luận (0)