Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa được Bộ Công Thương chấp thuận tăng giá điện bình quân thêm 5% từ ngày hôm nay (20-12) so với giá hiện hành.
Một năm tăng hai lần
Giá bán điện bình quân mới là 1.304 đồng/KWh (chưa bao gồm thuế GTGT), tăng 62 đồng/KWh so với giá bán điện bình quân hiện hành là 1.242 đồng/KWh. Nằm ngoài tầm ảnh hưởng tăng giá đợt này là các hộ gia đình sử dụng điện sinh hoạt bậc thang từ 0 - 50 KWh cho hộ nghèo và bậc thang từ 0 - 100 KWh vì tạm thời không tăng trong lần điều chỉnh giá điện này.
Giá điện tăng sẽ làm đời sống người dân thêm khó khăn. Ảnh: HỒNG THÚY
Đây là lần đầu tiên có tình trạng giá điện được điều chỉnh 2 lần trong một năm. Kể từ khi có Quyết định 26/2006/CP của Chính phủ về lộ trình thị trường hóa giá điện, giá điện chỉ được tăng mỗi năm một lần vào đầu năm dương lịch. Nhưng sau đó, Chính phủ có Quyết định số 24 ngày 15-4-2011 về việc điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường, cho phép giá điện được tăng nếu các thông số đầu vào tăng từ 5% trở lên. Thời gian điều chỉnh tối đa là 3 tháng/lần. Trên cơ sở pháp lý này, bắt đầu từ quý III, EVN đã nhiều lần đề nghị tăng giá điện và cuối cùng cũng đã được chấp thuận.
Như vậy, tính gộp cả hai lần tăng giá của năm nay, giá điện đã tăng 22,28% so với giá điện bình quân năm 2010. Đây là mức tăng rất cao vì những năm trước đó, giá điện chỉ tăng quanh mức 10% mỗi lần điều chỉnh và mỗi năm cũng chỉ điều chỉnh một lần.
Bình luận về đợt tăng giá này, PGS. TS Ngô Trí Long, Viện Kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính), cho rằng thời điểm tăng giá đã được tính toán kỹ theo cách rải đều. Đằng nào cũng tăng giá điện, nếu tăng vào những ngày cuối năm thì đầu năm sau nếu tăng tiếp sẽ không phải tăng đến mức gây sốc. Vị chuyên gia này cũng lo ngại đến khả năng đưa lạm phát về một con số vào năm 2012 trong khi giá điện vẫn tăng.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận xét tăng giá điện lúc này là “nhạy cảm”. Lạm phát đã giảm tốc liên tục 3 tháng, lúc này đang có xu hướng nhích lên, giá điện tăng sẽ là yếu tố cộng hưởng đẩy giá cả lên cao trong dịp Tết.
Bỏ lỡ cơ hội giảm lỗ
Điểm đáng lưu ý là trong đợt tăng giá này, EVN vẫn viện lý do tăng giá là cần thiết để giá điện phản ánh đúng chi phí sản xuất, kinh doanh điện thực tế, bù đắp một phần chi phí phát sinh do phải phát điện giá cao và một số chi phí còn treo lại chưa được tính vào giá bán điện, tạo tín hiệu thu hút đầu tư và khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
Nhưng kết quả kiểm toán báo cáo tài chính năm 2010 của EVN, do Kiểm toán Nhà nước thực hiện, lại cho thấy những bằng chứng về việc EVN lỗ do quản lý yếu kém và bỏ lỡ nhiều cơ hội giảm sức ép tăng giá điện.
Tính đến ngày 31-12-2010, các khoản đầu tư tài chính dài hạn của EVN lên tới gần 50.000 tỉ đồng nhưng chỉ đem về khoản lợi nhuận hơn 540 tỉ đồng. Tỉ lệ lợi nhuận trên vốn đầu tư rất thấp, chỉ hơn 1%. Việc đầu tư đa ngành đã đem lại cho EVN những “quả đắng”. Trong lĩnh vực viễn thông, EVN đã đầu tư 2.442 tỉ đồng vào EVN Telecom để “ôm” về khoản lỗ hơn 1.000 tỉ đồng. Đáng lưu ý là kiểm toán đã phát hiện lãnh đạo EVN đã chuyển một khoản chi phí trên 1.000 tỉ đồng cho một số tổng công ty điện trực thuộc để chuyển lỗ từ trách nhiệm của EVN Telecom cho các tổng công ty điện lực, trái với quy định về quản lý tài chính trong điều lệ tổ chức và hoạt động của tập đoàn.
Kết quả kiểm toán cũng cho thấy tỉ lệ tổn thất điện năng ở Việt Nam là 10,15%, cao hơn nhiều so với thế giới và khu vực, làm xấu thêm tình hình tài chính. Bên cạnh đó, EVN đã có thể giảm lỗ một phần nếu doanh thu cho thuê cột điện được hạch toán vào kết quả kinh doanh điện và các vật tư thu hồi trong quá trình sửa chữa lớn, thanh lý tài sản được phản ánh đúng để giảm chi phí sản xuất.
Lỗ nặng nhưng... lương vẫn “khủng” Theo báo cáo kiểm toán, EVN tuy lỗ và nợ đầm đìa nhưng thu nhập của cán bộ, công nhân viên ngành điện vẫn cao so với mặt bằng chung của cả nước. Cụ thể, số nợ phải trả của EVN tính đến hết năm 2010 là hơn 200.000 tỉ đồng, chiếm gần 80% tổng nguồn vốn. Tổng số lỗ của EVN năm 2010 đã lên đến hơn 8.400 tỉ đồng; tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu âm (-) 14,8%; tỉ suất lợi nhuận trên tổng tài sản âm (-) 2,78%. Thế nhưng, thu nhập của EVN lại rất cao. Khối công ty mẹ có thu nhập cao nhất, bình quân 13,7 triệu đồng/người/tháng. Khối truyền tải điện có thu nhập 10,8 triệu đồng/người/tháng và khối phân phối điện có thu nhập bình quân 7,9 triệu đồng/người/tháng.
Bình luận (0)