Hát hay lại hay hát, 2 cụ già ở Phú Yên khiến giới trẻ phục sát đất bởi máu yêu văn nghệ không giới hạn
Liên hoan Tiếng hát Hương mùa thu khu vực Nam Trung Bộ do Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên tổ chức vừa kết thúc. Có một điều mà ban tổ chức cũng khó lý giải là trong 3 nhóm tuổi tham gia liên hoan, nhóm tuổi cao nhất (từ 56 trở lên) lại có số lượng thí sinh đăng ký nhiều nhất.
Đang gặt lúa, vất liềm đi thi
Trong số đó, ông Nguyễn Văn Chinh (89 tuổi, ở thôn Phú Lễ, xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) là thí sinh lớn tuổi nhất của liên hoan. Dù không được giải gì nhưng ông là thí sinh để lại ấn tượng nhiều nhất cho khán giả lẫn ban giám khảo.
Tóc bạc trắng, dáng người thấp nhỏ, gầy gò nhưng khi ông hát bài Chiến sĩ Việt Nam (Văn Cao), cả hội trường như muốn sôi lên. Dù kỹ thuật viên phải chào thua với tiếng âm thanh lụp bụp do hàm răng của ông không còn để ngăn nước bọt văng vào nhưng người xem không thể ngồi yên với cách ông nhún nhảy thể hiện bài hát.
Vừa rời sân khấu, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, thấy cánh báo chí vây ông, ông Chinh móm mém cười với hàm răng rụng gần hết: “Hỏi nhanh nhé, tui còn về gặt lúa. Mới cắt nửa đám, nghe nẫu (họ) gọi, tôi bỏ hết, đi xe buýt lên đây thi”.
Ông Chinh cho biết trước đây, anh trai của ông theo bộ đội đánh Pháp. Tối tối, anh trai đưa bộ đội về nhà hát cả đêm, ông Chinh mê lắm, cứ lê la theo để được hát cùng. Đã 3 kỳ liên hoan Tiếng hát Hương mùa thu, ông đều tham gia và đều… không có giải. “Sang năm, tui lại thi tiếp” - ông nheo mắt quả quyết.
Sau đêm liên hoan đó, chúng tôi tìm đến nhà ông Chinh nằm sâu trong xóm trũng thôn Phú Lễ. Mùa gặt đã trôi qua, ông vừa ngồi đan đó trước hiên nhà vừa đu đưa giọng một bài hát bolero. Hơi bị đứt quãng nhưng giọng hát của ông vẫn còn rất ngọt. Anh Nguyễn Văn Đời, người con út của ông Chinh, cho biết: “Ba tôi là vậy đó, yêu đời lắm. Từ nhỏ tới giờ, tôi chưa bao giờ thấy ông cáu giận, buồn bực chuyện gì. Có lẽ nhờ vậy mà ông vẫn giữ được sức khỏe tốt. Đã 89 tuổi nhưng ông vẫn còn cuốc đất trồng khoai”.
“Ở đây, ông Chinh là đầu tàu văn nghệ. Mỗi khi xã, huyện có chương trình gì, kể cả đám cưới có nhạc sống, lớp trẻ còn ngại chưa lên sân khấu thì ông lại lên trước hát mồi, thế là họ nhao nhao hát theo. Vui lắm!” - bà Lê Thị Mỹ (57 tuổi, ngụ xã Hòa Thành) kể.
Theo ông Nguyễn Văn Phó, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Hòa Thành, trong chương trình văn nghệ gây quỹ xây nhà tình thương ở xã này năm 2013, trước rất đông người dân, nhiều “ca sĩ cây nhà lá vườn” không dám lên hát. Vậy là ông Chinh lom khom bước lên, “quất” một lần 5 bài anh hùng ca. Thấy thế, những “ca sĩ” trẻ rần rần lên theo.
Hát cho vơi nỗi buồn
Quê gốc ở xứ quan họ Bắc Ninh, bà Nguyễn Thị Cầu (72 tuổi, ngụ phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) được trời phú cho giọng hát trong vắt. Bà tâm sự ngày trẻ, do tính hay mắc cỡ nên bà chẳng bao giờ dám đứng trước đám đông để hát dù thuộc rất nhiều bài. Đến năm 2011, gia đình bà gặp sự cố. “Đó là giai đoạn khủng khiếp nhất cuộc đời tôi nhưng nhờ tiếng hát, tôi đã vượt qua” - bà bắt đầu câu chuyện.
Năm ấy, một trong 3 người con trai của bà Cầu là anh Phan Tấn Quang, một điêu khắc gia nổi tiếng ở TP HCM, đột ngột tử nạn khi đang trèo lên cao để điêu khắc đá. Chưa lo xong chuyện hậu sự cho con thì những doanh nghiệp mà bà góp vốn làm ăn bị vỡ nợ, hơn 1,6 tỉ đồng vay ngân hàng để góp vốn của bà không cánh mà bay. “Tôi phải bán cả nhà lẫn đất mới trả đủ cho ngân hàng. Lúc đó, tôi như ngã quỵ nhưng rồi nghĩ mình phải đứng dậy bằng bất cứ cách nào, nếu không sẽ “đi” luôn. Và hát là cách để tôi vơi sầu” - bà tâm sự.
Ban đầu, bà Cầu chỉ dám hát ở những đám cưới có nhạc sống để vơi buồn. Về sau, được nhiều người ủng hộ, bà “lấn” sang các tụ điểm ca nhạc. Ông Phan Tấn Đích (81 tuổi, chồng bà Cầu), nửa đùa nửa thật: “Giờ vợ tui như con chiên ngoan đạo của các tụ điểm ca nhạc. Bà ấy thuộc lòng giờ giấc mở cửa các tụ điểm ca nhạc ở TP Tuy Hòa và huyện Đông Hòa”.
Không chỉ ca hay, bà Cầu còn khiến giới trẻ “lác mắt” vì thuộc đến cả ngàn bài hát. Thuộc lời, thuộc nhạc là chuyện nhỏ, bà rành luôn tên tác giả cũng như hoàn cảnh ra đời của bài hát. Hằng ngày, sau giờ nấu ăn cho chồng, bà lại lúi húi mở máy nghe nhạc, chép bài hát ra sổ để học thuộc. Trong ngăn tủ của bà có đến hơn 10 quyển sổ bài hát chép tay.
Không chỉ những Giọt mưa thu, Suối mơ... của dòng nhạc tiền chiến, bà thuộc cả những bài tình ca đương đại. “Nghe bà hát Mong đợi ngậm ngùi của Từ Huy, bọn trẻ như chúng tôi chỉ biết há hốc miệng, vỗ tay” - anh Lê Thành, ngụ phường Phú Lâm, thán phục.
Kỳ tới: Hạnh phúc xế chiều
Bình luận (0)