Khép lại hồ sơ vụ tai nạn giao thông (TNGT) cách nay hơn 2 tháng, thiếu úy Nguyễn Thanh Tùng - cán bộ điều tra tai nạn Đội CSGT Công an quận 12, TP HCM - thở phào nhẹ nhõm. “Vụ “án mờ” này xảy ra lúc rạng sáng 20-6 trên đường Tô Ký giữa xe tải và xe máy làm người đi xe máy thiệt mạng. Thông tin vụ TNGT này rất mơ hồ, hiện trường chỉ còn xe máy của nạn nhân cùng một vết cày khá dài” - thiếu úy Tùng nhớ lại.
Từ dấu vết trên thi thể nạn nhân
Thu thập thông tin từ người dân, CSGT quận 12 chỉ biết chiếc xe máy đã va chạm với một xe tải nhỏ có thùng màu xanh. Chỉ có đặc điểm bên ngoài của chiếc xe tải thì không thể lần ra chủ sở hữu. Do đó, tổ công tác của thiếu úy Tùng phải mở rộng phạm vi tìm kiếm quanh hiện trường với hy vọng có được thêm thông tin về chiếc xe tải.
Suốt nửa ngày thu thập, thêm một manh mối quan trọng được người dân cung cấp: biển số xe tải được một người ghi vội gần hiện trường với đầu số 51C -301… Lần theo biển số này, tổ công tác tìm đến phường Tân Thới Nhất, quận 12 và được biết chủ sở hữu đã bán xe cho người khác ngụ xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn.
Theo giấy tờ mua bán, tổ công tác phối hợp với công an địa phương tìm đến nhà V.V.M.L (SN 1986). Khi gặp tổ công tác, L. tỏ ra bình tĩnh, khẳng định có thấy vụ tai nạn nhưng chỉ xuống xem, tuyệt đối không liên quan. Để có thêm chứng cứ, tổ công tác quyết định mang xe về khám nghiệm.
“Những dấu vết khi khám nghiệm cho thấy bên hông trái thùng xe tải có vết xước ngắt quãng nhiều đoạn, tương xứng với chiều cao của tay lái xe máy. Cùng lúc đó, qua điện thoại, chúng tôi nhận một thông tin từ cán bộ kỹ thuật hình sự Công an quận 12 là trên ngực nạn nhân có vết hằn, nghi là của bánh xe. Sau đó, qua đối chiếu, dấu vết trên thi thể nạn nhân khớp với vết bánh xe. Bằng những chứng cứ này, L. phải thừa nhận có liên quan đến vụ tai nạn” - thiếu úy Tùng thuật lại.
Ẩn số sau chiếc chìa khóa
9 giờ ngày 2-7-2013, chuông điện thoại phòng trực ban Đội Điều tra tai nạn thuộc Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TPHCM (PC67) reo vang. Bên kia đầu dây, giọng một người đàn ông run run báo có vụ tai nạn xảy ra trên đường Bình Phú, quận 6. Nạn nhân bị thương rất nặng, khó qua khỏi.
Ngay sau đó, đại úy Nguyễn Trường Giang - cán bộ Đội Điều tra tai nạn - cùng 2 đồng đội nhanh chóng xuống hiện trường. Hiện trường để lại là chiếc xe máy hiệu Cindy biển số 51K4-01… ngã trên đường, đầu bị bể.
Sau khi khám nghiệm hiện trường, 2 thông tin quý báu do người dân cung cấp được đại úy Giang ghi lại. Theo đó, họ thấy chiếc xe Wave màu xanh biển số 54N9 -54… liên quan vụ tai nạn đã bỏ chạy khỏi hiện trường. Ngoài ra, một chiếc chìa khóa rơi tại hiện trường được người dân cung cấp kèm thông tin là của xe DH màu đỏ, không biển số.
Ngỡ rằng vụ tai nạn sẽ được phá nhanh qua đầu mối chiếc xe Wave màu xanh, đại úy Giang cùng đồng đội lập tức đến đội đăng ký xe xác minh biển số 54N9-54… nhưng được biết đây là biển số giả. Vụ án tưởng chừng rơi vào bế tắc thì hy vọng lại lóe lên từ chiếc chìa khóa bỏ lại hiện trường.
“Trên chìa khóa có số xêri. Chúng tôi đến hãng xe nhờ hỗ trợ thông tin. Sau khi được hãng cung cấp số khung, số máy, chúng tôi quay về đội đăng ký xe và trích lục thông tin về chủ sở hữu chiếc xe. Đó là người đàn ông ngụ phường 13, quận 6. Khi Công an phường 13 mời lên làm việc, ông này cho biết mình là chủ xe nhưng giao cho người khác dùng để chở thịt heo hằng ngày” - anh Giang nhớ lại.
Lúc đầu, Hoàng - người chở thịt heo - cứ chối quanh. Mãi đến khi được các cán bộ giải thích, Hoàng mới thừa nhận sáng hôm đó, xe của anh ta và một xe khác đã va chạm với xe biển số 51K4-01… làm một người đàn ông bất tỉnh. Do thấy vết thương của ông ta quá nặng nên Hoàng đã rời khỏi hiện trường. Từ chứng cứ này, vụ việc được chuyển sang cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ...
Trong quá trình điều tra TNGT, nhiều vụ được gọi là “án mờ” vì không nhân chứng, rất ít chứng cứ để lại hiện trường. Thế nhưng, nhờ tinh thần trách nhiệm cao của lực lượng điều tra, nhiều đối tượng gây tai nạn đã không thể trốn thoát.
Chẳng hạn vụ TNGT xảy ra lúc rạng sáng 22-11-2011 dưới chân đường dẫn cầu Phú Mỹ (quận 2) làm một phụ nữ chết tại chỗ. Hiện trường không còn gì ngoài chiếc xe máy bẹp dúm và một thi thể không nguyên vẹn. Hai bên đường là đồng trống, không một bóng người. Cơ quan chức năng xác định đây là “án mờ” bởi không có thêm dấu vết liên quan ngoài sự nghi ngờ của người dân địa phương là có thể do xe đầu kéo gây ra.
Không bỏ qua thông tin dù mong manh này, các cán bộ điều tra lập tức đến Trạm thu phí cầu Phú Mỹ cách hiện trường khoảng 1 km. Theo dữ liệu trên camera của trạm, từ 5 giờ đến 6 giờ ngày 22-11-2011, có đến 6 xe đầu kéo qua trạm, trong đó 1 xe biển số Bình Dương, 2 xe thuộc Đồng Nai và 3 xe đăng ký ở TP HCM.
Trung tá Trần Thái Bảo, Phó Đội trưởng Đội Điều tra tai nạn PC67, cho biết: “Tổ công tác liền chia nhau đi xác minh chủ sở hữu 6 xe. Ba xe ở Bình Dương và Đồng Nai không có dấu hiệu liên quan đến vụ tai nạn. Trong khi đó, tại TP HCM, kiểm tra xe đầu tiên cũng không có dấu hiệu liên quan. Đến xe thứ hai thì chủ xe thông báo tài xế đang chở hàng ở cảng Cát Lái. Chờ đến khi tài xế mang xe về, qua khám xét ban đầu, tổ công tác phát hiện 2 bánh trước đã được thay mới, dè chắn bùn có vết máu. Sau một hồi tài xế chối cãi, tổ công tác quyết định mang xe đi giám định. Đến lúc này, thấy không còn đường chối tội, tài xế mới thừa nhận đã gây ra vụ tai nạn rạng sáng 22-11”.
Nhiều vụ “án mờ” TNGT đã được cán bộ điều tra dốc sức phá án nhanh, buộc kẻ gây tai nạn bồi thường cho nạn nhân hay người thân của họ. Thế nhưng, vẫn có không ít vụ phải khép hồ sơ vì không còn manh mối gì. “Xót xa hơn là một số vụ tai nạn dù có người chứng kiến nhưng họ thờ ơ hoặc ngại đụng chạm pháp luật, sợ phiền phức nên không ra làm chứng” - một cán bộ Đội Điều tra tai nạn PC67 băn khoăn.
Nhiều nạn nhân sống trong uất ức
Một trong những trường hợp đau lòng là ông Bùi Quốc Phú (SN 1971, tạm trú xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn). Một đêm cuối tháng 12-2009, ông Phú và một đồng nghiệp chở nhau trên xe máy, lưu thông trên Quốc lộ 1, khi đến đoạn qua tỉnh Bình Dương thì bị xe tải tông. Người bạn chết tại chỗ, còn ông Phú bị giập nát 2 đùi, gãy xương chậu, xương bánh chè và bể bàng quang. Vợ ông phải bán nhà và vay mượn khắp nơi để có khoảng 900 triệu đồng điều trị cho chồng với hơn 20 lần phẫu thuật. Thế nhưng, đến nay, hậu môn của ông vẫn chưa thể đưa vào ổ bụng, trong khi 2 chân bị liệt. Sau khi gây tai nạn, tài xế bỏ trốn và cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra.
Chua xót không kém là ông Cao Minh Dương (SN 1971, ngụ xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi, TP HCM). Năm 2009, trên đường đi làm về, ông bị một người đi xe máy tông mạnh khiến đầu va vào con lươn, chấn thương sọ não. Đối tượng gây tai nạn đã nhanh chóng bỏ trốn. Do không trang trải nổi chi phí điều trị nên di chứng co giật vẫn thường xuyên hành hạ ông Dương...
Bình luận (0)