“Ngôi nhà ma” trên lưng chừng đèo Prenn
Tuy nhiên, sau hơn 1 giờ khai quật, ngành chức năng không phát hiện có bộ hài cốt nào trong hai ngôi mộ nói trên mà chỉ có 2 túi ni lông trong ngôi mộ thứ nhất và 2 tiểu sành đựng đất trong ngôi mộ thứ hai (ngôi mộ đôi).
Chủ tịch UBND phường 3 Dương Hải Long, trưởng đoàn giải tỏa di dời những ngôi mộ trên, cho biết: trước đó một tháng, chính quyền phường 3 đã thông báo rộng rãi trên đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh nhưng vẫn không có ai đến nhận mộ nên phường tiến hành giải tỏa, di dời.
Cũng theo ông Long, việc khai quật, di dời những ngôi mộ này không chỉ do ai đó tạo lập trái phép mà còn liên quan đến việc truyền bá mê tín dị đoan tại địa phương trong thời gian qua.
Đường lên đỉnh đồi có 3 ngôi mộ liên quan đến “căn nhà ma”
Vụ việc được phát hiện vào cuối tháng 7, trong khi tuần tra bảo vệ rừng, cán bộ kiểm lâm địa bàn phát hiện tại khu vực tiểu khu 266 có 3 ngôi mộ mới xây (gồm một mộ chiếc và một mộ đôi).
Ngay sau khi phát hiện, công an phường đã nhanh chóng vào cuộc để làm rõ chủ nhân của những ngôi mộ này. Và kết quả kiểm tra hiện trường cho thấy không có dấu hiệu đào huyệt để chôn cất, trước nay cũng không có bất cứ trường hợp nào được an táng tại đây.
Vì 3 ngôi mộ nằm trên ngọn đồi tiếp giáp với khu vực phía sau “ngôi nhà ma” trên đèo Prenn, nên cơ quan chức năng đã mở rộng điều tra. Qua đấu tranh khai thác, người bảo vệ trông coi “ngôi nhà ma” - Nguyễn Hồng Nhi (68 tuổi, tạm trú tại đường 3/4 TP Đà Lạt), đã khai nhận có tuyên truyền về 3 ngôi mộ trên và đưa du khách lên cúng bái, nhưng không nhận hành vi xây mộ.
Cụ thể, từ năm 2003 đến nay, trong quá trình làm bảo vệ, mỗi khi có đoàn khách hiếu kỳ đến tham quan, tìm hiểu về ngôi nhà đều được ông Nhi hướng dẫn lên mộ thắp hương, cúng tiền (ít nhất là 2.000đ và nhiều nhất là 20.000đ).
Toàn bộ số tiền này đều được ông Nhi thu giữ và chi tiêu riêng cho bản thân. Không dừng lại ở đó, để được nhiều người cúng tiền, ông Nhi tình nguyện làm “hướng dẫn viên” cho du khách và “vẽ” rằng: căn nhà này ngày trước là của một gia đình người Pháp, và có một cô gái 19 tuổi đã bị hiếp rồi bị giết chết ném xuống giếng sâu bên cạnh ngôi nhà.
Ngoài ra, cũng trong ngôi nhà này còn có một cô gái bị chết do thắt cổ và hai đứa nhỏ bị giết chết không rõ nguyên nhân, sau đó được chôn cất trên ngọn quả đồi sau nhà… Hành vi tuyên truyền mê tín dị đoan của ông Nhi cũng đã bị chính quyền địa phương xử phạt vi phạm hành chính 650.000đ, đồng thời đề nghị đơn vị chủ quản “trục xuất” ra khỏi “ngôi nhà ma”.
Khu mộ
Với những câu chuyện thương tâm nhưng hết sức rùng rợn từ lời kể của ông Nhi đã theo chân các du khách có tính hiếu kỳ và lan nhanh khiến cho ngôi biệt thự vốn dĩ xinh đẹp nhưng bị bỏ hoang lâu ngày, bị xuống cấp nghiêm trọng, bị mua đi bán lại nhiều lần này được đồn thổi là “ngôi nhà có ma”.
Tuy nhiên, căn cứ vào lời khai nhận của người bảo vệ ngôi nhà cũng như kết quả sau khai quật, di dời 3 ngôi mộ trên, một số người cao tuổi ở phố núi cho rằng đó chỉ là những câu chuyện huyễn hoặc. Ngoài việc tuyên truyền mê tín dị đoan nhằm để móc túi du khách, ở đây cũng không loại trừ những người tạo lập những ngôi mộ trên là để kiếm tiền đền bù của nhà nước vì khu vực này đã và đang quy hoạch thành khu du lịch sinh thái xinh đẹp.
Như vậy, cùng với việc thừa nhận của bảo vệ “ngôi nhà ma” trên lưng chừng đèo Prenn và kết quả khai quật của 3 ngôi mộ vắng chủ tại khu vực trên đã phần nào giải mã cho những câu chuyện hết sức hoang đường được rỉ tai lâu nay ở phố núi mờ sương.
Bình luận (0)