Ngăn chặn sự manh động của Trung Quốc
Mục đích quân sự của Mỹ tại Tây Thái Bình Dương hiện tại chưa phải là bao vây Trung Quốc mà để kiềm chế hoạt động của hải quân Trung Quốc.
Khi thông báo sẽ đưa quân đội đến đồn trú trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Quốc đã chính thức phá vỡ thế nguyên trạng tại biển Đông. Ngoài ý đồ muốn thâu tóm nguồn tài nguyên biển Đông, việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” thể hiện tham vọng “quản lý” 2 triệu km2 biển Đông, củng cố cứ điểm chiến lược trên biển Đông để khống chế và biến vùng biển này thành sân sau của Trung Quốc, từ đó tham gia cuộc chơi lớn hải quân tại Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Chống lại bá quyền
Từ việc xem biển Đông là “lợi ích cốt lõi”, mới đây các cơ quan ngôn luận chính thức của Trung Quốc đã xem tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 3-8, được gia cố bởi tiếng nói của ngành lập pháp Mỹ bằng nghị quyết Thượng viện về biển Đông ban hành cùng ngày, là “can thiệp vào công việc nội bộ Trung Quốc”. Sự chuyển biến ngôn từ này phản ánh sự chuyển biến về lập trường Trung Quốc nay xem biển Đông là “biển nhà” của họ. Âm mưu đó thể hiện bằng sự ma mãnh trong sử dụng ngôn từ!
Mỹ thì không mơ hồ trước tính nghiêm trọng của “vụ Tam Sa”. Robert Manning, một chiến lược gia người Mỹ, nhận xét: Trung Quốc thiết lập lực lượng đồn trú tại Hoàng Sa là nhằm đối trọng lại việc Mỹ điều chỉnh chiến lược quân sự đặt trọng tâm vào Đông Á.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 3-8 phát đi một thông điệp ngoại giao ngắn gọn nhưng mạnh mẽ. Nghị quyết của Thượng viện Mỹ lên tiếng ủng hộ việc tăng cường các hoạt động của quân đội Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, bao gồm cả khu vực biển Đông; ủng hộ tự do hàng hải, việc duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm cả những giải pháp hòa bình đối với các tranh chấp chủ quyền trên biển Đông.
Hai thông điệp ấy phát đi cùng lúc cho thấy tính nghiêm túc trong lập trường của Washington. Kể từ khi Mỹ đặt chân tới châu Á sau cuộc chiến tranh với Tây Ban Nha giành được Philippines vào năm 1898, dẫu yếu mạnh từng lúc khác nhau nhưng Mỹ luôn chống lại bá quyền dù là của một nước lớn hay một nhóm nước lớn tại Viễn Đông. Mỹ sẽ không dừng lại ở những thông điệp chính sách hôm 3-8. Nhưng trước mắt, chúng nhằm làm dịu bớt những cái đầu nóng ở Trung Quốc, mặt khác còn nhằm tạo đòn bẩy cho ASEAN củng cố đoàn kết nội bộ và hạn chế việc Trung Quốc cưỡng ép các nước láng giềng phương Nam.
Mỹ chưa bao giờ rời bỏ châu Á Ngay thời kỳ thoái trào của sự hiện diện quân sự Mỹ, Washington vẫn duy trì khoảng 350 căn cứ quân sự tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Mỹ trở lại châu Á lần này là trở lại Đông Nam Á, nơi họ đã giã từ không mấy nuối tiếc sau chiến tranh Việt Nam. Sự trở lại lần này chủ yếu là vì “tiếng gọi Trung Hoa”. Biển Đông là một phép thử. Việc Bắc Kinh chính thức thừa nhận Mỹ là một cường quốc Thái Bình Dương cũng như có lợi ích tại Thái Bình Dương nhưng lại không chấp nhận sự can dự của Mỹ vào vấn đề biển Đông là một việc làm nửa vời. |
Bình luận (0)