Trong những năm 1991-1993, chính phủ Việt Nam và Mỹ ngầm thực hiện lộ trình 2 năm để đi đến bình thường hóa (BTH) quan hệ và lập văn phòng liên lạc. Cuối năm 1992 đầu 1993, Bộ Ngoại giao Việt Nam cử ông Lê Văn Bàng sang New York làm đại sứ, Trưởng đại diện Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, thực chất là nhằm mở rộng quan hệ với Mỹ, thúc đẩy BTH trực tiếp, chuẩn bị lập văn phòng liên lạc tại Mỹ ở Washington D.C.
“Bước hụt” 2 năm
Kết thúc lộ trình 2 năm, đến tháng 4-1993, Mỹ cử một đoàn do đặc phái viên của tổng thống là cựu Ngoại trưởng - Thượng nghị sĩ Edmund Muskie dẫn đầu sang Việt Nam và Campuchia đánh giá 2 điều kiện BTH quan hệ: Việt Nam rút hết quân khỏi Campuchia và vấn đề tìm kiếm người Mỹ mất tích, tìm người còn sống.
Kết quả kiểm tra sẽ được báo cáo lên chính phủ và nghị viện Mỹ để tuyên bố BTH quan hệ với Việt Nam và thiết lập quan hệ ngoại giao ở mức cơ quan liên lạc (dự định vào hè năm 1993).
Tuy nhiên, khi đoàn kiểm tra còn chưa về thì ở Mỹ, một nhân vật chống Việt Nam là TS Stephen Morris (công tác tại ĐH John Hopkins) đã tung ra một bản tài liệu cho rằng “tìm được ở Nga”. Theo tài liệu này, Trung tướng Trần Văn Quang, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, đã báo cáo với Bộ Chính trị về việc đưa tù binh Mỹ sang Nga.
Thông tin đó khiến dư luận Mỹ sôi sục, đặc biệt là gia đình những người Mỹ mất tích cũng như các cựu chiến binh và chuyến thăm Việt Nam của ông Muskie chưa về nước đã chấm dứt. “Lộ trình 2 năm” coi như tan vỡ.
Dự định đi tới thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam của chính quyền Tổng thống Bill Clinton phải tạm dừng. Khi Washington kiểm tra lại xem tài liệu đó có trong kho lưu trữ của Nga thật không, Moscow nói không có, báo cáo kia là giả. Quá trình điều tra đã chứng minh đó là tài liệu giả song đã đẩy tiến trình BTH lùi lại 2 năm. Theo Đại sứ Lê Văn Bàng, tài liệu do một trong những nhóm cực hữu chống phá việc BTH thuê người viết từ trước, đợi đến thời điểm then chốt thì tung ra, phá lộ trình, không muốn Việt - Mỹ BTH quan hệ.
Đến tháng 7-1993, Tổng thống Clinton tiến thêm được một bước nữa trong việc nới lỏng cấm vận khi quyết định cho Việt Nam tiếp cận các khoản vay của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế, mở đường cho các tổ chức quốc tế hỗ trợ tài chính cho Việt Nam. Còn việc thiết lập cơ quan liên lạc, 2 bên phải chờ thêm 1 năm rưỡi nữa.
Vào tháng 1-1995, Tổng thống Bill Clinton tuyên bố 2 bên đồng ý thiết lập văn phòng liên lạc tại Washington sau khi đã dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận kinh tế gần 1 năm trước đó (ngày 3-2-1994).
“Đại sứ Lê Văn Bàng, ông đã thắng!”
Mặc dù các lực lượng chống phá mạnh song cuối cùng, nỗ lực của cả 2 chính phủ đã đến đích với sự kiện ngày 11-7-1995, Tổng thống Bill Clinton và Thủ tướng Võ Văn Kiệt tuyên bố BTH quan hệ ngoại giao. Tuy nhiên, với người hơn 20 năm tham gia tiến trình đàm phán BTH như ông Bàng, sự kiện trọng đại đó lại không gây ấn tượng mạnh bằng thời điểm Tổng thống Clinton tuyên bố bỏ cấm vận kinh tế với Việt Nam vào ngày 3-2-1994. Ông đã khóc khi xem truyền hình, nghe Tổng thống Clinton tuyên bố bỏ cấm vận.
“Tôi bắt đầu tham gia tiến trình này từ khi vào ngành ngoại giao năm 1973, mới 26 tuổi. Lúc bỏ cấm vận, tôi đã gần 50 tuổi. Bỏ ra quá nhiều công sức, trải qua rất nhiều thất bại, nhiều lần cầm chắc thành công trong tay mà lại trượt mất, nhiều lần biết là chính phủ Mỹ đã đồng ý nhưng họ cũng không làm được và quan trọng là điều đó quá có lợi cho đất nước, dân tộc mình” - đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Mỹ tâm sự.
Thời khắc ấy, ông Lê Văn Bàng nhớ về một người bạn làm giám đốc doanh nghiệp, mỗi năm bán đồng vụn cho một công ty của Ấn Độ được 200.000 USD. Ấn Độ trả tiền qua một ngân hàng của Mỹ và số tiền này bị Mỹ giữ lại do lệnh cấm vận, không thể nào lấy ra được. Ông cũng nhớ về người mẹ 90 tuổi ở Việt Nam, chỉ mong được nghe tiếng con trai ở Mỹ lần cuối cùng trước khi qua đời mà do lệnh cấm vận mãi cũng chưa thực hiện được.
Đấu tranh bỏ cấm vận là quan trọng nhất và tác động mạnh nhất. Việc chấm dứt cấm vận kinh tế chống Việt Nam đã dọn đường cho việc BTH quan hệ 2 nước một năm sau đó, mở ra nhiều cơ hội quan trọng trong đời sống người dân và doanh nghiệp 2 nước.
Ông Bàng kể rằng trước đó khoảng 1 tháng, ông đã linh cảm chuyện này sẽ xảy ra. Một người bạn Mỹ của ông là giáo sư đại học tại New York lại khăng khăng bảo rằng chưa được. Đến khi chính thức bỏ cấm vận, vị giáo sư này đã làm một bức tranh, trong đó đề dòng chữ “Cấm vận được dỡ bỏ ngày 3-2-1994, Đại sứ Lê Văn Bàng, ông đã thắng!” kẹp vào bên cạnh một tờ 5 USD, đóng vào khung mang tặng ông.
Đến giờ, ông Bàng vẫn giữ để ghi nhớ về một kỷ niệm sâu sắc và xúc động trong sự nghiệp ngoại giao của mình.
Đại sứ đầu tiên là cựu tù binh
Vào tháng 7-1997, ông Pete Peterson trở thành Đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam. Ông Peterson là một cựu binh Mỹ, từng phục vụ trong lực lượng không quân Mỹ thời chiến tranh Việt Nam. Đêm 10-9-1966, phi công Peterson khi lái chiếc F-4 “Con ma” ném bom miền Bắc Việt Nam đã bị lực lượng phòng không miền Bắc bắn rơi, nhảy dù xuống khu vực thuộc xã An Bình, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương và bị bắt làm tù binh tới năm 1973 thì được trao trả cho phía Mỹ.
Rời quân ngũ, ông Peterson tham gia hoạt động chính trị, làm dân biểu bang Florida trước khi trở thành Đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam sau chiến tranh.
Kỳ tới: Những “cầu nối” từ Mỹ tới Việt Nam
Bình luận (0)