Tiếp theo chương trình nghị trường kỳ họp thứ 2, Quốc hội (QH) khoá XIV, sáng 25-10, QH thảo luận ở hội trường về dự án Luật về hội.
Ủy viên Ủy ban thường (UBTV) QH, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của QH Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật về hội.
Dự thảo Luật trình QH (khóa XIII) giao Chính phủ quy định việc áp dụng Luật này đối với cá nhân, tổ chức nước ngoài tham gia hoạt động hội tại Việt Nam, tổ chức phi chính phủ nước ngoài đăng ký và hoạt động tại Việt Nam và tổ chức phi chính phủ trong nước.
6 hội không thuộc đối tượng áp dụng của Luật này gồm: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam.
Luật nêu rõ: “Nguyên tắc hoạt động của hội là phải tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự trang trải kinh phí hoạt động và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
Về kinh phí hoạt động, đối với các hội thành lập do nhu cầu của Đảng và Nhà nước, được ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động. Theo UBTVQH, đối với các hội do Đảng, Nhà nước có nhu cầu, chỉ đạo thành lập và giao thực hiện các nhiệm vụ thì Nhà nước tiếp tục cấp kinh phí. Luật ngân sách nhà nước đã quy định việc cấp kinh phí cho hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội là nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương và địa phương.
Đối với các hội đã được giao biên chế, kinh phí hoạt động giữ ổn định đến hết năm 2016; từ năm 2017 đến năm 2020 từng bước thực hiện khoán kinh phí hoạt động cho hội theo lộ trình phù hợp, tiến tới thực hiện nguyên tắc tự trang trải kinh phí, Nhà nước hỗ trợ kinh phí theo nhiệm vụ được giao. Đối với các hội còn lại hoạt động theo nguyên tắc tự trang trải kinh phí hoạt động, Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động gắn với nhiệm vụ được giao.
Về các trường hợp bị hạn chế quyền lập hội, trong đó có cán bộ, công chức chưa được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức.
Theo UBTVQH, để thực hiện tốt chức trách của mình thì cán bộ, công chức cũng phải chịu những hạn chế nhất định khi thực hiện quyền lập hội để không ảnh hưởng đến việc thực thi công vụ, bảo đảm tính độc lập, khách quan của hoạt động quản lý nhà nước.
Khoản 5 Điều 8 của dự thảo Luật quy định “Hội không liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, không nhận tài trợ nước ngoài; trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định”.
UBTVQH chỉnh lý theo các ý kiến tán thành quy định của dự thảo Luật, nhằm phòng ngừa việc lợi dụng liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, nhận tài trợ nước ngoài để hoạt động trái pháp luật, chống phá Nhà nước và chế độ, làm ảnh hưởng đến cuộc sống bình yên của nhân dân.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ (cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hội), hiện nay cả nước có khoảng 63.000 hội có đăng ký và đang hoạt động thì số lượng hội có liên kết, gia nhập, nhận tài trợ nước ngoài không nhiều; do đó, đối với các trường hợp đặc biệt này sẽ do Chính phủ quy định cụ thể là hợp lý.
Đáng chú ý, theo Điều 25, Hội bị giải tán nếu vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm gồm: Làm phương hại đến chủ quyền, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích của Nhà nước; đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; truyền thống văn hóa và bản sắc dân tộc; quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Ngoài ra, khi các hội cũng bị giải tán nếu có hành vi gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền trái chính sách, pháp luật của Nhà nước; gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của đất nước, danh nhân, anh hùng dân tộc; Rửa tiền, tài trợ khủng bố.
Bình luận (0)