Đến ngày 6-7, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Bình Định đã nhận được phương án khắc phục tàu cá vỏ thép đóng theo Nghị định 67/CP trên địa bàn bị hư hỏng của 2 đơn vị đóng tàu là Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (tỉnh Nam Định) và Công ty TNHH MTV Nam Triệu (TP Hải Phòng).
Phải sửa lại như mới
Đến thời điểm này, Công ty Nam Triệu đã kéo 5 tàu vỏ thép của ngư dân lên đà tại Xí nghiệp Đóng tàu Tam Quan (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) để sửa chữa. Dự kiến trong hôm nay, 7-7, doanh nghiệp này tiếp tục kéo thêm một tàu vỏ thép lên đà để sửa chữa. "Chúng tôi sẽ tiến hành bắn cát, sơn lại toàn bộ vỏ tàu. Dự kiến đến ngày 11-7, lô máy thủy mới chính hãng Mitsubishi, công suất 811 HP về đến Bình Định. Sau khi kiểm định viên kiểm tra chất lượng máy, chúng tôi lắp máy cho tàu. Đến ngày 30-7 sẽ khắc phục xong 6 tàu vỏ thép đầu tiên, 6 tàu còn lại hoàn thành sửa chữa trước ngày 30-8" - ông Bùi Hữu Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Nam Triệu, thông tin.
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, cho biết việc khắc phục, sửa chữa tàu vỏ thép sẽ được giám sát, kiểm định chặt chẽ bởi kiểm định viên Trung tâm Đăng kiểm Tàu cá thuộc Tổng cục Thủy sản, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định và đơn vị giám định trung gian. Kiểm định viên sẽ lựa chọn địa điểm sửa chữa đủ điều kiện và phải được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt trước khi sửa tàu.
"Ngoài việc khắc phục hư hỏng, UBND tỉnh Bình Định cũng đã yêu cầu 2 đơn vị đóng tàu vỏ thép trên phải sửa chữa lại những tàu đóng không đúng theo thiết kế ban đầu. Quan điểm của tỉnh Bình Định là tàu cá bị hư hỏng phải được sửa chữa lại như mới theo đúng hợp đồng đã được ký kết giữa đơn vị đóng tàu và ngư dân" - ông Hổ nêu rõ.
Tàu vỏ thép hư hỏng của ngư dân Bình Định được đưa lên đà sửa chữa Ảnh: Anh Tú
Tố nhau quanh con tàu 18 tỉ đồng
Toàn tỉnh Thanh Hóa có 70 chủ tàu cá đủ điều kiện đóng mới tàu cá, tàu dịch vụ khai thác hải sản xa bờ. Đến thời điểm này đã có 46 tàu được đóng mới đi vào hoạt động, trong đó có 23 tàu vỏ thép. Tuy nhiên, trong số tàu vỏ thép này có 18 tàu hoạt động chưa hiệu quả do thường xuyên hư hỏng, trục trặc.
Tranh chấp giữa công ty đóng tàu và chủ tàu vỏ thép hư hỏng ở tỉnh này cũng đang nóng lên. Điển hình, ngày 5-7, tại TP Sầm Sơn, đại diện Công ty CP Đại Dương đã có buổi đối thoại với ông Nguyễn Duy Muộn (ngụ phường Quảng Cư, TP Sầm Sơn) - chủ tàu vỏ thép TH 93968 TS, công suất 829 CV của ông Muộn được Công ty Đại Dương đóng mới theo Nghị định 67 nhưng sau khi hạ thủy thì liên tục hư hỏng.
Giữa hai bên không tìm được sự thống nhất và biến buổi đối thoại thành dịp để "tố" nhau. Ông Nguyễn Duy Muộn khẳng định tàu cá của ông hư hỏng, trục trặc trong cả 9 lần ra khơi. Các sự cố chủ yếu là hư hỏng máy phát điện, vỡ pít-tông tời, hỏng hệ thủy lực; cháy chấn lưu điện tử, cọc sào bị gãy… "Chiếc tàu của tôi được đóng có nhiều chi tiết không đúng với thiết kế" - ông Muộn khẳng định. Ngược lại, ông Lê Văn Khoa, Chủ tịch HĐQT Công ty Đại Dương, quả quyết tàu của ông Muộn đóng đúng thiết kế ban đầu. Ông Khoa đổ lỗi cho ông Muộn, trong quá trình đóng tàu nhiều lần đề nghị thay đổi một số hạng mục.
Không đồng tình với trả lời của lãnh đạo Công ty Đại Dương, ông Muộn cho biết sẽ nhờ cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, làm rõ. Theo ông Muộn, trị giá con tàu 18 tỉ đồng, việc thường xuyên hư hỏng, nằm bờ khiến gia đình ông thiệt hại nặng nề.
Trước bất đồng giữa hai bên, ông Phạm Văn Tuấn, Chủ tịch UBND TP Sầm Sơn, đề nghị chủ tàu và Công ty Đại Dương gửi hồ sơ liên quan về Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa trước ngày 10-7, để tìm hướng giải quyết.
Bình luận (0)