Một ngày cuối tháng 2-2011, đại tá Bùi Thanh Hòa, Trưởng Phòng Cảnh sát Truy nã tội phạm (PC52) - Công an tỉnh Bạc Liêu, nhận được cuộc điện thoại từ số máy lạ. Ông bắt máy nhưng chỉ nghe tiếng côn trùng kêu râm ran. Linh cảm cho biết đó là cuộc điện thoại rất quan trọng cho công việc của mình, đại tá Hòa kiên trì độc thoại: “Tôi, đại tá Bùi Thanh Hòa, anh chị có việc gì cứ nói, tôi sẵn sàng lắng nghe”. Có tiếng đằng hắng và sau đó, tội phạm truy nã Tôn Tấn Luật (tội cố ý gây thương tích) kể về tình trạng của mình và đề nghị được trò chuyện với đại tá Hòa.
Trở về nẻo sáng
Họ đã nói với nhau hơn nửa giờ về chuyện khoan hồng khi đầu thú, về cuộc sống lẩn trốn và sự tự do. Đại tá Hòa nhớ lại: “Tôn Tấn Luật hỏi thẳng tôi có biết anh ta đang ở đâu không? Nghe hỏi câu này, đoán được đối tượng thuộc dạng thẳng tính, một thuận lợi cho công việc nên lúc kết thúc cuộc trao đổi, tôi nói sẵn sàng dành thời gian trò chuyện, còn việc truy bắt thì chúng tôi vẫn tiến hành…”.
Hai hôm sau, Tôn Tấn Luật lại gọi điện đúng vào buổi tối, khoảng 20 giờ, giống như lần trước. Luật trải lòng rằng mình đang ở một vùng hẻo lánh, rất buồn và nhớ nhà nhưng không dám về vì sợ bị thân nhân của nạn nhân trả thù. Sau một hồi khuyên giải, hứa sẽ giúp đỡ gia đình và giải quyết ân oán với điều kiện phải ra đầu thú, đại tá Hòa cho Luật 1 ngày suy nghĩ kèm theo lời nhắn: “Một cuộc đời toàn những ngày lẩn trốn, nghe tiếng chó sủa đã run chân và một cuộc đời tự do, thoải mái, tất nhiên là phải trả giá bằng vài ba năm tù, cậu sẽ chọn cuộc đời nào? Tôi sẽ chờ câu trả lời của cậu vào tối mai, giờ này!”.
PC52 - Công an tỉnh Bạc Liêu hỗ trợ gia đình Tôn Tấn Luật trong thời gian đối tượng này lẩn trốn
Đúng hẹn, Tôn Tấn Luật gọi điện cho đại tá Hòa và đồng ý trở về đầu thú vào ngày 28-3-2011. Thế nhưng, trước đó 1 ngày, máy điện thoại của Luật không liên lạc được khiến đại tá Hòa sốt ruột. Ông suy đoán có lẽ anh ta đã bị một ai đó tác động nên đổi ý. Tuy nhiên, sáng hôm sau, Luật xuất hiện tại PC52 - Công an tỉnh Bạc Liêu với lời giải thích: “Vì hết tiền nên bán điện thoại để làm lộ phí ra đầu thú”.
Đầu thú vì biết ơn
Giữa tháng 4-2011, PC52 - Công an tỉnh Bạc Liêu lên kế hoạch tầm nã tội phạm Nguyễn Trường Vi (SN 1979, ngụ thị trấn Giá Rai, huyện Giá Rai - Bạc Liêu), mang tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nhưng đã bỏ trốn khoảng 1 năm. Sau 1 tuần làm việc, các trinh sát báo cáo về đơn vị tình hình của Nguyễn Trường Vi. Theo đó, đối tượng đã bỏ trốn khỏi địa phương, đến một vùng quê hẻo lánh thuộc xã Phước Long, huyện Phước Long - Bạc Liêu. Anh ta tá túc tại nhà mẹ vợ, hằng ngày đi khắp nơi bỏ mối cà phê. Hành tung của đối tượng không cố định, khi thì ngủ ở nhà trọ, lúc về nhà mẹ vợ vào nửa đêm. “Đối tượng có hoàn cảnh rất đặc biệt, vợ sắp sinh, mẹ già bị tâm thần, không người chăm sóc” - các trinh sát ghi chú thêm.
Đại tá Bùi Thanh Hòa gọi các trinh sát đến hỏi thêm một số chi tiết về hoàn cảnh đặc biệt của đối tượng, sau đó triệu tập lãnh đạo phòng họp đột xuất và quyết định triển khai kế hoạch B. Đại tá Hòa nhớ lại: “Lúc đó, chúng tôi hoàn toàn có thể bắt Vi nhưng xét thấy nếu bị bắt, anh ta sẽ không nhận được sự khoan hồng nào, còn gia đình sẽ là gánh nặng cho xã hội nên cần cho đối tượng một cơ hội”.
Mẹ của Nguyễn Trường Vi bị tâm thần vì thương nhớ con
Kế hoạch vận động Vi đầu thú được triển khai, trung tá Mai Thanh Trà nhận nhiệm vụ trực tiếp đi truyền thông điệp về sự khoan hồng của pháp luật.
Bà Huỳnh Tuyết Huệ, mẹ vợ Vi, nhớ lại: “Nghe trung tá Trà lý giải cặn kẽ về chính sách khoan hồng của pháp luật, tôi thấy không có lý do gì mà không vận động con rể ra đầu thú. Tôi cũng không thể ngờ công an lại hiểu cặn kẽ hoàn cảnh của con rể mình như vậy. Nghe trung tá Trà kể, tôi biết công an đang muốn cho Vi một cơ hội”. Sau đó, bà Huệ đã kể lại với con gái cùng con rể về nghĩa cử của công an và cả nhà nhanh chóng đi đến thống nhất đưa Vi ra đầu thú.
Sau khi đầu thú, Nguyễn Trường Vi đã trải lòng cùng các chiến sĩ công an như đang trút cạn tâm tình với những người bạn thân thiết nhất. Ngồi nghe trung tá Trà kể chuyện về gia đình và hành tung của mình mà Vi như hóa đá, có lẽ khi đó anh ta cảm nhận được với những thông tin chính xác như vậy, công an có thể bắt mình bất cứ lúc nào. “Các anh đã dùng cái tâm để đối xử với một tên tội phạm, tôi thật sự biết ơn” - Vi xúc động nói.
Nhiều tội phạm truy nã đã 30 năm Trung tá Đặng Thanh Hường, Phó trưởng PC52 - Công an tỉnh Quảng Ngãi, cho biết hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 150 tội phạm đã phát lệnh truy nã trong nhiều năm nhưng chưa bắt được. Trong số đó, khoảng 20 đối tượng có lệnh truy nã từ những năm 1970. “Điểm chung của những đối tượng này là phạm tội rất nặng như giết người, cướp tài sản... nhưng việc truy bắt hết sức khó khăn vì thời gian đã quá lâu” - trung tá Hường nói.
T.Trực |
Kỳ tới: Vai trò của người dân
Bình luận (0)