Ngày 15-2, rất nhiều người dân và thương lái từ miền Trung tới tỉnh Gia Lai thuê đất trồng, thu mua dưa hấu phản ánh với phóng viên Báo Người Lao Động về việc bị các đối tượng giang hồ quấy rối, xin "đểu".
Mua 10 trả chưa được 5
Do mưa lũ cuối năm 2016, ruộng dưa hấu của ông Lê Văn Lệ (quê Bình Định, thuê đất trồng tại xã Ia Broái, huyện Ia Pa) hư hỏng, phải làm đất trồng lại nên hiện mới chỉ thu hoạch xong lứa đầu tiên. Phải đầu tư nhiều lần, tốn nhiều công sức nhưng giá bán từ 9.000-11.000 đồng, cao gấp 4 lần so với năm trước nên ông Lệ khấp khởi mừng thầm.
Sau những ngày vất vả, những nông dân này chỉ muốn yên ổn để tiếp tục trồng trọt, thu hoạch
Tuy nhiên, ông không khỏi lo lắng khi những ngày qua có đối tượng say xỉn tới gây gổ. Khi thu hoạch dưa, các đối tượng giang hồ đòi “bảo kê”. Thậm chí, một số đối tượng đến hỏi mua với giá rẻ, sau đó bán lại cho thương lái với giá cao hơn.
“Họ đến, nhìn đống dưa đáng giá 10 triệu đồng nhưng chỉ trả được 3-4 triệu đồng, còn lại nợ. Mà họ nợ thì không biết khi nào mới đòi được. Nhiều lần họ hỏi mua nhưng tôi lấy đủ lý do từ chối bán. Đang lo họ đến nữa không biết phải làm sao” - ông Lệ nói. Ông cho biết trong lứa dưa đầu, ông bán cho thương lái liền bị các đối tượng gây gổ, cản trở không cho đưa xe vào ruộng, phải năn nỉ lắm mới được.
Anh Nguyễn Tấn Tài (quê Bình Định) cũng cho biết đã nhiều năm thuê đất trồng dưa ở các địa phương của tỉnh Gia Lai, quen lắm rồi nhưng vẫn bị thương lái ép giá. Theo anh Tài, nguyên nhân thương lái ép giá là để bù vào tiền phải “chung chi” từ 3-5 triệu đồng cho các đối tượng để được thoải mái ra vào mua hàng.
“Khi phải chung chi như vậy, thương lái phải giảm giá mua. Cuối cùng, coi như chúng tôi phải chung chi mới bán được dưa mà bao mồ hôi công sức mới làm ra được” - anh Tài than thở.
Chị Ngọc, một thương lái từ Bình Định thường xuyên lên thu mua dưa tại tỉnh Gia Lai, cho biết nếu không chung tiền, các đối tượng không cho xe vào chuyển dưa đi. “Có hôm, tôi đang chuẩn bị mua dưa của người dân thì hai thanh niên tới hỏi xin tiền nhưng tôi không cho. Tới khi đang cho xe vào chuẩn bị bốc dưa lên thì các đối tượng mang theo một bó mã tấu chặn lại, không cho vào. Sợ quá, tôi lấy 3 triệu đồng đưa nhưng họ đòi phải 5 triệu đồng mới được” - chị Ngọc kể và cho biết vì làm ăn lâu dài, sợ trả thù nên không báo công an.
Đòi tiền bảo kê
Cùng ngày, Công an huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) cho biết đang hoàn tất thủ tục để tiến hành xử lý Nay Thu (SN 1987) và Nay Tạo (SN 1991) về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Bên cạnh đó, xem xét vai trò của Rơ Ô Kiệt (SN 1994, cùng trú buôn Ama Drung, xã Ia Trôk, huyện Ia Pa).
Trước đó, ngày 1-2, hai đối tượng này đến các chòi dưa của những người đang thuê đất trồng dưa tại đây để dọa, yêu cầu mỗi chòi phải đóng 3 triệu đồng thì mới cho xe vào chở dưa nhưng không ai đồng ý. Ngày hôm sau, họ lại đến hỏi ai là chủ vườn để thu tiền. Thấy vậy, các chủ vườn báo công an. Khoảng 22 giờ cùng ngày, ô tô chở dưa của anh Nguyễn Thanh Kỳ (ngụ tỉnh Bình Định) từ ngoài cánh đồng đi qua buôn Ama Drung. Thấy vậy, Nay Thu lấy xe gắn máy chở Nay Tạo đến chặn ô tô. Xe vừa dừng, Tạo lao đến đòi phải đưa 3 triệu đồng thì mới cho xe đi. Anh Kỳ nói chỉ mang theo 2 triệu đồng.
Khi cả hai đang nhận tiền từ anh Kỳ thì công an bắt quả tang. Cùng lúc này, Kiệt cầm dao đến với mục đích uy hiếp để cưỡng đoạt tiền lái xe và chủ ruộng nên cũng bị bắt.
Trước đó, Nguyễn Đình Hậu (SN 1977) và Trần Đình Thái (cùng trú thị xã Ayun Pa) đã nhiều lần gọi điện đe dọa, buộc chị H.T.X.T (trú thị xã An Khê) đến thị xã Ayun Pa khi thu mua dưa hấu, phải chi cho chúng, nếu không chịu thì sẽ không cho xe vào chở dưa, cho đàn em đến phá. Khi Hậu đang nhận 7 triệu đồng từ chị T. thì bị công an bắt giữ.
Qua những người phóng viên tiếp xúc, hầu hết nạn nhân của việc bảo kê, xin đểu này đều muốn yên ổn làm ăn. Khi bị cưỡng đoạt tiền, các nạn nhân rất ít báo cơ quan chức năng. Vì vậy, lực lượng công an rất khó phát hiện để triệt phá.
Đã báo cáo vụ việc với UBND huyện
Chiều 15-2, ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, TP HCM, xác nhận Công an huyện Củ chi vừa báo cáo vụ dưa lưới bị phá hoại xảy ra trên địa bàn.
Trước đó, Công an huyện Củ Chi cho biết đã tiếp nhận thông tin và đang điều tra vụ hàng ngàn gốc dưa lưới tại ba khu nhà kính ở huyện này bị kẻ gian đột nhập phá hoại, gây thiệt hại gần 2 tỉ đồng. Theo chủ nông trang Xanh Green Noen, vụ việc xảy ra đêm 11 rạng sáng 12-2. Các nhà kính của nông trang trồng tổng cộng 2.500 gốc dưa lưới thì 1.500 gốc bị nhổ. Những gốc dưa này khoảng một tháng nữa sẽ cho thu hoạch, chỉ tính riêng tiền bán dưa thiệt hại khoảng 250 triệu đồng. Ngoài ra, hai nhà kính cũng bị kẻ gian phá hoại.
Tr.Hoàng
Bình luận (0)