Xã Tượng Văn, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa là một xã chiêm trũng nằm yên bình bên dòng sông Yên. Xưa kia, người dân vùng này rất nghèo đói nên cứ đến mùa giáp hạt, nhiều nhà gánh rơm xuống các xã ven biển của huyện Tĩnh Gia đổi lấy gạo, khoai, sắn.
Từ cứu đói thành nghề
Men theo con đường đê sông Yên đang được xây dựng dang dở lởm chởm đất đá, chúng tôi tìm về xã Tượng Văn trong những ngày cuối tháng 4. Làng xóm vắng hoe, hỏi mới biết bà con đi bán rơm chưa về. Cuối cùng, chúng tôi cũng gặp được bà Lê Thị Thức, người đã có thâm niên trên 20 năm đi bán rơm. Nghe chúng tôi hỏi thăm, bà Thức tủm tỉm cười: “Nghề ngỗng gì đâu, đói quá đầu gối phải bò. Hồi đó, cứ sau Tết là nhà nào cũng đói, chúng tôi gánh rơm xuôi về huyện Tĩnh Gia đổi lấy khoai sắn về ăn. Sau thấy người ta có nhu cầu lấy rơm cho bò ăn và sưởi ấm gia súc trong mùa lạnh nên chúng tôi mới rủ nhau gánh rơm đi bán. Người này rủ người kia, đến nay, cả xã hầu như nhà nào cũng đi bán rơm”.
Nghề buôn rơm cũng lắm vất vả. Đến mùa, bà con gom rơm ngoài đồng về phơi, cất giữ, đến mùa rét thì mang đi bán. Để chuẩn bị cho một chuyến hàng, từ chiều hôm trước phải dồn rơm vào gánh, xe để đến 4 - 5 giờ sáng thì thức dậy lên đường. “Ngày trước không có xe đạp, xe máy, chị em chúng tôi toàn gánh đi bán, nhiều người đi xa tới cả 40 km. Giờ đây việc buôn bán rơm cũng nhàn hơn vì chúng tôi chuyển sang đi bằng xe đạp, xe máy, có nhà còn thiết kế cả thùng lôi ở phía sau” - một người dân cho biết.
Thu nhập bất ngờ
Trước đây chỉ để kiếm củ sắn, củ khoai chống đói qua ngày nhưng giờ bán rơm đang trở thành một nghề cho thu nhập cao đối với người dân xã Tượng Văn. Có ngày, gia đình ông Nguyễn Thế Viễn chở vài ba chuyến rơm đi bán, trừ hết chi phí cũng cầm chắc trong tay vài trăm ngàn đồng. Để có nguồn rơm mang bán suốt từ tháng 12 âm lịch đến hết tháng 3 năm sau, ông Viễn đã tích cực thu mua khắp nơi. “Sau mùa gặt, gia đình tôi còn đánh xe lên các xã lân cận xin rơm tươi về phơi mà năm nào cũng cứ sau Tết được ít hôm là hết rơm. Khi đó, gia đình lại ngược lên các xã Trường Sơn, Tế Nông, Tế Lợi… để mua lại rơm về bán dần” - ông Viễn cho hay.
Theo ông Viễn, do năm ngoái mưa nhiều nên năm nay rơm có giá, mỗi xe bán được 50.000 - 150.000 đồng. “Trừ hết chi phí, gia đình tôi cũng dư được gần 6 -7 triệu/tháng” - vợ ông Viễn nhẩm tính.
Không chỉ riêng gia đình ông Viễn, một số nhà khác trong xã cũng phất lên nhờ đi buôn rơm, như các ông Phạm Công Hóa ở thôn 8; Lâm Hữu Tâm, Phạm Văn Thành ở thôn 9. Trong đó, gia đình ông Thành được nhắc tới nhiều nhất bởi đang nợ ngân hàng 20 triệu đồng, sau một vụ rơm đã không chỉ trả hết mà còn dư dả.
Nhìn tay đoán tuổi nghề
Ấp Chí Thành, xã Tân Thành, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang từ lâu được xem là thủ phủ của nghề đan cần xé. Theo nghề từ năm 1986, ông Trà Văn Me, ở ấp Chí Thành, cho biết có rất nhiều công đoạn để làm ra một chiếc cần xé như chẻ nan, chuốt nan, đan mễ (phần đáy cần xé), làm ghim, gióng, xỏ dây chì, quấn quai, làm móc… Mọi khâu không chỉ đòi hỏi sự tỉ mỉ mà còn sức mạnh của các đầu ngón tay. Người mới vào nghề thường được cho tập chẻ nan và vót nan nên đôi tay rất dễ trầy xước, bào mòn. Để thích nghi, các thợ trẻ thường phải ngâm tay trong nước muối hoặc chà xát với cây cỏ mực nhiều giờ để cho da được dày hơn. Ai vượt qua giai đoạn này thì coi như đã thành nghề.
Theo ông Me, công đoạn quan trọng nhất là ghim quai. Những người đảm nhận công đoạn này chủ yếu dùng sức mạnh của các đầu ngón tay, về lâu nó trở nên chai sần và vân tay cũng phai dần.
“Chú cứ nhìn vô các đầu ngón tay của người thợ là có thể đoán được thâm niên trong nghề. Bởi càng làm lâu chừng nào thì dấu vân tay càng mờ đi. Bình thường, đâu ai nghĩ đến chuyện này để làm gì nhưng khi có nhu cầu làm giấy chứng minh nhân dân hoặc vay vốn ngân hàng thì mới khó khăn. Khi đó, phải ngưng làm 20-25 ngày, các vết chai mờ đi thì dấu vân tay mới hiện trở lại” - ông Me nói.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 16-5
Khó cạnh tranh với đồ nhựa
Những năm gần đây, do chịu sức ép lớn từ các đồ dùng bằng nhựa nên sản lượng, sản phẩm của làng nghề đang có nguy cơ bị giảm. Ngoài ra, theo ông Trà Văn Tám, diện tích trồng trúc đang bị thu hẹp dần nên giá nguyên liệu tăng lên làm giá thành sản xuất tăng theo. Trong khi đó, giá bán ra lại không tăng nên thu nhập của bà con bị giảm đáng kể.
Ông Nguyễn Văn Cạn, Chủ tịch UBND xã Tân Thành, cho biết hiện toàn xã có 64 hộ dân làm nghề đan cần xé với pháp nhân là HTX Trúc Xanh. Xã cũng đã đề xuất ngân hàng cho mỗi hộ vay với mức từ 3-15 triệu đồng để mua nguyên liệu sản xuất. “Chúng tôi cũng đang đề xuất với cấp trên sớm công nhận nơi đây là làng nghề truyền thống để có chính sách hỗ trợ tương xứng” - ông Cạn nói. Th.Vân
Bình luận (0)