TAND tỉnh Tiền Giang vừa sửa bản án sơ thẩm vụ kiện giữa Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang (Agribank CN huyện Châu Thành) với bà Lương Thu Ngọc (SN 1971, ngụ huyện Châu Thành) và 7 người liên quan, trong đó có bà Nguyễn Thị Bé (SN 1946, mẹ chồng bà Ngọc).
Sao chép vân tay của mẹ chồng
Cấp phúc thẩm tuyên Agribank CN huyện Châu Thành phải trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là tài sản bảo lãnh trong hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng này và bà Ngọc cho bà Nguyễn Thị Bé (chủ sở hữu).
Người đến dự phiên tòa ai cũng lắc đầu trước thông tin cô con dâu âm thầm mang sổ đỏ của mẹ chồng đi cầm cố ngân hàng. Oái oăm thay, chỉ bằng thủ đoạn đơn giản, có phần ngô nghê của bà Ngọc, vậy mà cũng lừa được ngân hàng và chính quyền địa phương.
Trước đó, bà Ngọc vay của Agribank CN huyện Châu Thành 500 triệu đồng. Hồ sơ vay vốn thể hiện tài sản bảo lãnh là mảnh đất gần 6.000 m2 do bà Bé đứng tên. Hết hạn hợp đồng, bà Ngọc không có khả năng trả nợ. Sau nhiều lần thu hồi nợ thất bại, ngân hàng kiện ra tòa. Nhận được thông báo, bà Bé mới hay tin mình bảo lãnh cho con dâu vay tiền ngân hàng, còn sổ đỏ miếng đất vốn cất kỹ trong nhà thì đã… không cánh mà bay từ lúc nào!
Bà Bé làm đơn khởi kiện, yêu cầu Agribank CN huyện Châu Thành trả lại giấy tờ đất. “Dấu vân tay in trên hợp đồng thế chấp tài sản không phải của tôi. Chuyện này cứ như trên trời rơi xuống vậy!” - bà Bé trình bày.
Tại tòa, bà Ngọc thừa nhận vì cần tiền làm ăn nên nhờ người làm hồ sơ vay ngân hàng. Do thủ tục cần bên thứ ba bảo lãnh, bà Ngọc đánh liều tự ý lấy sổ đỏ của mẹ chồng rồi nhờ người “biến hóa” cho bộ hồ sơ hoàn chỉnh. Khổ chủ là bà Bé không hề xuất hiện khi các bên ký kết hợp đồng. Tuy vậy, phòng giao dịch của ngân hàng và cán bộ xã Long Định, huyện Châu Thành lại cho qua dễ dàng. Khi được hỏi, đại diện UBND xã Long Định thú nhận hồ sơ liên quan đến hợp đồng trên đã… thất lạc (!).
Sau 3 năm ròng rã đi kiện, bà Bé cuối cùng đã nhận được tài sản nhưng tình cảm thân thiết giữa mẹ chồng và nàng dâu cũng chẳng còn.
Con lừa mẹ, quen thân lừa nhau
Không chỉ bà Bé, bà Huỳnh Kim Chi (ngụ TP HCM) cũng gánh họa từ “con gái rượu” Đặng Phúc Gia Bảo Trân.
Do cần tiền đưa cho đồng nghiệp làm chung công ty là Hồ Vĩnh Tín, Trân bàn với Tín thuê người đóng giả bà Chi rồi làm thủ tục thế chấp căn nhà của bà cho chị em bà Lâm Đình Yến - Lâm Thịnh Đào. Bà Yến và bà Đào yêu cầu Trân lập hợp đồng bán nhà giá 1,5 tỉ đồng. Lợi dụng lúc bà Chi sơ hở, Trân lấy trộm CMND, hộ khẩu, giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở và đất của mẹ. Trân còn thuê thêm người đóng giả bà Chi đến ký thủ tục bán đất ở Phòng Công chứng số 2.
Tại đây, 2 bên gặp công chứng viên H.X.H làm thủ tục. Xem lướt hồ sơ, ông H. cho qua. Yên tâm, bà Đào giao cho Trân 1,1 tỉ đồng. Hai bên cam kết sau 3 tháng sẽ làm hợp đồng mua bán, chuyển nhượng tài sản. Khi công chứng hợp đồng đặt cọc, công chứng viên yêu cầu phải có tờ cam kết về tình trạng hôn nhân và tài sản. Do vậy, Trân tự làm luôn tờ giấy cam kết tình trạng độc thân của mẹ rồi đem ra UBND phường 6, quận 10, TP HCM xác nhận.
Sau đó, Trân đưa hết số tiền nhận từ bà Đào cho Tín. Ba tháng sau, chị em bà Đào yêu cầu Trân làm thủ tục sang tên nhưng cô ta viện nhiều lý do để thoái thác.
Khi bà Đào nhiều lần thúc giục, Trân buộc phải thừa nhận người mà 2 bà gặp lúc làm thủ tục không phải là mẹ mình và không có khả năng trả lại tiền. Mất tiền, chị em bà Đào làm đơn khởi kiện.
Kết quả giám định cho thấy chữ ký và dấu vân tay trên các loại giấy tờ do Trân cung cấp trong quá trình giao dịch đều là giả mạo.
Thương con, bà Chi đã trả cho chị em bà Lâm Thịnh Đào 1,1 tỉ đồng để khắc phục hậu quả. Trong lúc này, Hồ Vĩnh Tín đã ẵm tiền trốn sang Mỹ, còn Đặng Phúc Gia Bảo Trân lãnh 7 năm tù giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
TAND TP HCM vừa quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hoa (35 tuổi, ngụ quận 10). Hoa là đồng hương với ông N.H.V (giáo sư - tiến sĩ, ngụ TP HCM). Năm 2003, Hoa ngỏ ý bán cho ông V. lô đất hơn 160.000 m2 ở huyện Hóc Môn, TP HCM. Ban đầu, Hoa đưa cho ông V. một số giấy tờ để làm tin (đều là giả). Giao cho Hoa hơn 17 tỉ đồng mà không thấy sổ đỏ, ông V. báo công an, kiện đồng hương ra tòa.
“Vì tin tưởng đồng hương nên tôi không xem giấy tờ cũng như vị trí mảnh đất trước khi giao dịch” - ông V. phân trần tại tòa. Còn Hoa thì cho biết giữa bị cáo và ông V. có quan hệ tình cảm từ nhiều năm trước…
Kỳ tới: Đừng tham, luôn cảnh giác
Pháp luật còn sơ hở
Luật sư Hà Hải, Đoàn Luật sư TP HCM, cho rằng nhiều ngân hàng hiện không quan tâm đến chủ sở hữu tài sản, chỉ cần thấy giấy tờ sở hữu là đồng ý cho khách hàng thế chấp vay tiền; thực hiện sơ sài phần hậu kiểm, không xác minh hiện trạng tài sản... Đến khi khách hàng vỡ nợ, ngân hàng chỉ việc phát mãi tài sản theo hợp đồng; sau đó mới vỡ lẽ đấy là tài sản ăn trộm, mượn tạm. Quy định pháp luật liên quan đến cho vay, thế chấp, tài sản bảo lãnh của bên thứ ba chưa cụ thể, rõ ràng đã dẫn đến tình trạng trên.
Ngoài ra, các điều luật cũng chưa quy định rõ biện pháp chế tài tại ngân hàng cũng như các cơ quan chức năng liên quan. Đơn cử, dù không gặp bà Nguyễn Thị Bé nhưng nhân viên ngân hàng và cán bộ xã Long Định lại nhắm mắt cho qua thủ tục vay vốn là trái pháp luật.
“Tuy nhiên, chúng ta chưa có chế tài cụ thể xử phạt hành vi sai trái nói trên của cán bộ xã, ngân hàng. Nếu muốn răn đe, địa phương chỉ có thể xử lý về mặt Đảng (khi đối tượng là đảng viên) hoặc xử phạt hành chính. Chính kẽ hở này của pháp luật đã dung dưỡng cho hành vi sai trái của một bộ phận cán bộ” - ông Hải nhận định.
Từng chứng kiến cảnh gia đình xào xáo khi con cái dối gạt, lấy tài sản của gia đình cầm cố, ông Hà Hải cho rằng người dân cần nhận thức đầy đủ về pháp luật để lường trước tình huống tranh chấp; tuyệt đối không vì nể người nhà, thân quen mà cho mượn tài sản.
Bình luận (0)