Sáng 10-3, Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII khai mạc tại Hà Nội với các nội dung quan trọng: bàn về chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2016-2020); giới thiệu nhân sự lãnh đạo cấp cao của các cơ quan Nhà nước và một số vấn đề quan trọng khác.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay, Bộ Chính trị đã khẩn trương chỉ đạo việc hoàn chỉnh các văn kiện của Đại hội để sớm công bố; chỉ đạo chuẩn bị ban hành Chỉ thị của Bộ Chính trị về học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng; chuẩn bị xây dựng các quy chế làm việc cùng một số nội dung quan trọng khác.
Bộ Chính trị cũng đã thông qua chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2016; tiến hành phân công các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; đồng thời tích cực chuẩn bị giới thiệu nhân sự thuộc diện Trung ương quản lý ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV; bàn việc thực hiện một số chế độ, chính sách đối với cán bộ.
Việc giới thiệu nhân sự lãnh đạo cấp cao của các cơ quan Nhà nước là một trong những nội dung lớn được Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII xem xét.
Trong phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, ngay sau Đại hội XII của Đảng, Bộ Chính trị đã tiến hành phân công một bước các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chuẩn bị và giới thiệu các Ủy viên Trung ương ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV; đồng thời chỉ đạo các cấp ủy tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ.
Bộ Chính trị đã xem xét cẩn trọng cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn của việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo cơ quan Nhà nước ngay sau Đại hội toàn quốc của Đảng và thống nhất cao là cần sớm kiện toàn, sắp xếp lại các chức danh lãnh đạo cơ quan Nhà nước một cách đồng bộ, đáp ứng kịp thời yêu cầu triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Bộ Chính trị đề nghị Trung ương cho thực hiện kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII theo quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh theo quy chế làm việc, tại Hội nghị lần này, Bộ Chính trị trình Trung ương quyết định việc giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội là những chức danh lãnh đạo cao nhất của Nhà nước ta, đồng thời báo cáo xin ý kiến Trung ương trước khi Bộ Chính trị chính thức giới thiệu nhân sự đối với các chức danh khác để Quốc hội xem xét, bầu hoặc phê chuẩn theo thẩm quyền.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, vấn đề nhân sự mà Hội nghị Trung ương quyết định và tham gia ý kiến lần này là cần quán triệt và thực hiện nhất quán Phương hướng công tác nhân sự do Đại hội toàn quốc của Đảng thông qua, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, hài hòa của Đảng trên các lĩnh vực, địa bàn và tạo ra sức mạnh tổng hợp chung. Cố gắng xem xét một cách tổng thể, sắp xếp hợp lý nhất trong điều kiện có thể; căn cứ vào tiêu chuẩn chung của cán bộ, cần chú trọng năng lực, sở trường, chuyên môn được đào tạo, kinh nghiệm công tác và chiều hướng phát triển; kết hợp yêu cầu trước mắt với bước chuẩn bị cho các khóa tiếp theo, bảo đảm tính kế thừa và phát triển.
Bên cạnh đó, công tác nhân sự cần được tiến hành theo đúng các quy định của Đảng, quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, đúng với nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị, đồng thời phù hợp với các quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của các cơ quan Nhà nước.
Nhấn mạnh thời gian Hội nghị lần này không nhiều, công việc rất khẩn trương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các ủy viên Trung ương phát huy cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ đóng góp ý kiến để Hội nghị thành công tốt đẹp.
* Trước đó, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng vào tháng 1 vừa qua, các Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI đang giữ các chức vụ lãnh đạo cao nhất của Nhà nước là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã xin rút, không ứng cử vào Ban chấp hành Trung ương khóa XII và đã được Đại hội XII đồng ý.
Ngoài ra, một số vị lãnh đạo cấp cao là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI đã không tham gia Ban chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị khóa XII như: Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Lao Động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Qunag, Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh...
Sau Đại hội XII, một số thành viên Chính phủ như Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã được bầu vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII và đã được điều động, phân công làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bí thư Thành ủy TP HCM và Chánh Văn phòng Trung ương.
Bình luận (0)