Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 9-3 - Ảnh chụp qua màn hình
Sáng 9-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã cho ý kiến về Chương trình kỳ họp thứ 11 QH khóa XIII.
Chủ nhiệm Văn phòng QH, Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đây là kỳ họp cuối cùng của QH khóa XIII, dự kiến sẽ kéo dài trong 22,5 ngày làm việc, khai mạc 21-3 và bế mạc vào 16-4, trong đó có 2,5 ngày làm việc vào thứ 7.
Theo dự kiến, tại kỳ họp thứ 11 này, QH sẽ xem xét thông qua 7 dự án Luật gồm: Luật tiếp cận thông tin; Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); Luật báo chí (sửa đổi); Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); Luật dược (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế; Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi).
Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho hay kỳ họp QH thứ 11 này sẽ tăng cường thời lượng phát thanh, truyền hình trực tiếp, đặc biệt là trong những phiên họp có báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, báo cáo công tác nhiệm kỳ của QH, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Tổng kiểm toán Nhà nước, báo cáo về kinh tế -xã hội.
Ủy ban Thường vụ QH cũng cho biết không trình dự án Luật Biểu tình ra tại kỳ họp này, đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp tục chuẩn bị thật kỹ dự án luật, đến khi đảm bảo sự thống nhất cao trong Chính phủ rồi mới trình tiếp.
Điểm chú ý tại kỳ họp này QH dự kiến sẽ dành 12 ngày làm công tác nhân sự Nhà nước (dự kiến từ ngày 4 đến 16-4).
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng góp ý: "Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 2 khóa XII họp ngày 10, 11 và 12-3, đến ngày 13-3 các đồng chí phải có thông báo kết luận của Bộ Chính trị. Chúng ta, Đảng, Đoàn QH phải biết được kết luận của Bộ Chính trị để quyết định được nhân sự nào điều chỉnh để đưa ra lãnh đạo, điều hành trong kỳ họp QH thứ 11 này".
Trước đó, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng vào tháng 1 vừa qua, nhiều vị lãnh đạo cấp cao của Nhà nước, QH và Chính phủ là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI đã không tham gia Ban chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị khóa XII như: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Lao Động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh...
Bình luận (0)