Ngoài lực lượng bảo vệ hiện hữu, Công an tỉnh Bình Dương vừa yêu cầu các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tuyển chọn người, thành lập một đội phản ứng nhanh. Đội phản ứng nhanh sẽ được trang bị công cụ phù hợp với quy định của pháp luật và được lực lượng công an huấn luyện nghiệp vụ, có nhiệm vụ xử lý tình huống gây rối khi cơ quan chức năng chưa đến hiện trường.
“Lấy nước trị nước, lấy lửa trị lửa”
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung cũng đã có văn bản yêu cầu Ban Quản lý KCN, LĐLĐ tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp, hướng dẫn các doanh nghiệp trong và ngoài KCN lựa chọn những nhân tố tích cực trong lực lượng công nhân để thành lập lực lượng tự vệ của doanh nghiệp. Đây là lực lượng xung kích phối hợp với các lực lượng chức năng khác trên địa bàn nhằm giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ tài sản của doanh nghiệp.
Theo thiếu tướng Võ Thành Đức, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, đây là chiến thuật “Lấy nước trị nước, lấy lửa trị lửa”, ý nói dùng công nhân để chống lại lực lượng đội lốt công nhân nhằm gây rối.
Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cũng yêu cầu công an tỉnh xây dựng đề án mở rộng mô hình Đồn công an trong KCN, tham mưu cho UBND tỉnh về mô hình này để báo cáo, xin ý kiến Bộ Công an trong thời gian sớm nhất.
Theo thiếu tướng Võ Thành Đức, trong các đối tượng bị bắt đợt gây rối vừa qua, nhiều người là công nhân bị công ty sa thải. Do không có tiền, các đối tượng ngày càng tha hóa, sa vào trộm cắp, trấn lột, đánh nhau, buôn bán ma túy, bảo kê… Đặc biệt, do “nuôi thù” với chủ doanh nghiệp nên các đối tượng đó còn dùng vũ lực ép buộc công nhân ngưng việc tập thể.
Theo dõi sát sao
Ông Nguyễn Tất Từ - Trưởng đồn Công an KCN Long Thành, tỉnh Đồng Nai - cho biết thời gian qua, an ninh tại các KCN đã tương đối tốt, một phần do lực lượng bảo vệ đông hơn, được đào tạo chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, với tình huống xảy ra như đợt gây rối vừa qua thì lực lượng công an KCN cũng chỉ can thiệp được phần nào.
Theo thượng tá Trần Tiến Đạt, Chánh Văn phòng Công an tỉnh Đồng Nai, công an tỉnh luôn giám sát, theo dõi sát sao tình hình an ninh tại các KCN cũng như các khu nhà trọ công nhân.
“Sau vụ các đối tượng côn đồ lợi dụng tuần hành của công nhân để gây rối, hôi của, Công an tỉnh Đồng Nai đã đề ra nhiều biện pháp tăng cường giữ gìn an ninh tại các KCN” - ông Đạt nói.
Đại tá Lý Quang Dũng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, cho biết đơn vị đang nghiên cứu, đề xuất lắp đặt thêm hệ thống camera giám sát tại các KCN. Bên cạnh đó, tiến hành hướng dẫn thành lập các đội tự vệ, nòng cốt là công nhân ngay trong mỗi công ty để giúp các doanh nghiệp có thể ứng phó nhanh khi sự cố xảy ra.
Tại cuộc họp hôm 6-6 với các sở - ban - ngành và đại diện doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ông Đinh Quốc Thái, cũng chỉ đạo các cấp chính quyền, đoàn thể ngoài việc chăm lo đời sống vật chất, cải thiện môi trường lao động, cần đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật cho công nhân. Ngoài ra, việc thành lập, đào tạo các lực lượng tự vệ tại các đơn vị doanh nghiệp là rất cần thiết. Cần tăng cường huấn luyện, trang bị phương tiện và kỹ năng cho họ để có thể phối hợp xử lý khi có các tình huống phát sinh.
Nhiều băng nhóm tan rã
“Hiệp sĩ” Nguyễn Thành Công, ngụ phường An Phú, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương (gần KCN Việt Nam - Singapore), cho biết các băng nhóm giang hồ, các đối tượng hình sự cộm cán ở địa bàn đã bị lực lượng công an quét sạch sau đợt gây rối vừa qua. Theo một số “hiệp sĩ” sống gần KCN Sóng Thần (thị xã Dĩ An), Đại Đăng (TP Thủ Dầu Một), phần lớn côn đồ thường lởn vởn quanh KCN đã bị bắt hoặc dạt đi khu vực khác để tránh sự theo dõi của công an.
Bình luận (0)