Tại tỉnh An Giang, trong hơn 20 ngày qua đã xảy ra nhiều vụ lở đất bờ sông, nhiều hộ dân phải di dời để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản. Ngày 21-9, tại xã Vĩnh Hòa, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang, sạt lở kéo dài 70 m, sâu vào đất liền 40 m.
Khẩn cấp di dời dân
Trước đó vào ngày 2-9 tại ấp Vĩnh Tường, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu cũng xảy ra một vụ sạt lở đất, ảnh hưởng đến 15 căn nhà buộc phải tháo dỡ, di dời khẩn cấp ra khỏi nơi nguy hiểm. Trong hai ngày 28 và 29-8, tại xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang một diện tích đất khoảng 2.000 m2 nằm cặp bờ sông Hậu bất ngờ đổ sụp xuống sông, 36 hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm phải khẩn cấp di dời. Từ ngày 9 đến 15-9, trên địa bàn xã Bình Thủy, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang đã liên tục xảy ra nhiều vụ sạt lở đất bờ sông Hậu ở nhiều đoạn làm đứt lộ giao thông nông thôn. Lực lượng cứu hộ tại địa phương đã di dời khẩn cấp 21 hộ, hiện còn 38 hộ có nguy cơ bị sạt lở đất tiếp tục, phải di dời.
Gia cố đê bao chống lũ ở đập Tha La, tỉnh An Giang
Tại tỉnh Đồng Tháp, từ đầu tháng 8 đến nay trên địa bàn huyện Hồng Ngự đã xảy ra gần chục vụ sạt lở ven sông Tiền và dãy cù lao Long Phú Thuận nằm giữa đầu nguồn sông Tiền. Sạt lở đã cuốn trôi hơn 18.000 m2 đất ở và đất sản xuất, hoa màu; nhiều căn nhà trôi xuống sông; 40 hộ dân phải di dời khẩn cấp, tổng thiệt hại hơn 2 tỉ đồng.
Gia cố đê, bơm chống úng
Lão nông Lê Tuấn, canh tác hơn 30 công lúa vụ 3 tại xã Vĩnh Tế, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang, cho biết từ ngày xã lũ đập tràn Tha La đến nay tình trạng sạt lở đất dọc theo tuyến đê bao liên tục xảy ra, mức độ nguy hiểm ngày càng gia tăng. “Ngay trong ngày xã lũ (15-9) đã có nhiều điểm xung yếu trên tuyến đê này bị đe dọa vì tốc độ dòng chảy lớn, cộng thêm áp lực của độ chênh lệch nước bên trong và ngoài đê hơn 3 m nên con đê phải oằn mình chống lũ. Mới xã lũ buổi sáng là buổi chiều hàng chục người phải gia cố đê, máy móc nhân công được huy động túc trực 24/24 giờ hơn nửa tháng nay” - ông Tuấn nói.
Tuyến đê dọc kênh Tha La chạy dài khoảng 8 km nhưng đã có đến 7 km bị nước lũ đe dọa, cần gia cố khẩn trương. Ông Đỗ Vũ Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, cho biết toàn tỉnh có 130.000 ha lúa vụ 3, trong đó có hơn 7.000 ha đang bị nước lũ đe dọa, chủ yếu ở những vùng đê bao mới. Ông Lê Văn Nưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết việc gia cố các tuyến đê xung yếu, tổ chức ứng trực 24/24 giờ, chủ động việc bơm chống úng; nhất là các diện tích mới sản xuất lúa vụ 3 ở đầu nguồn, ven sông Hậu và Tứ giác Long Xuyên đang được thực hiện nghiêm ngặt.
2.600 ha lúa vụ 3 nằm trong đê bao của xã Thường Phước 2 và Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, cũng đang bị nước lũ đầu nguồn đe dọa. Tuyến đê bao dài 20 km này có đến khoảng 7 km có nhiều điểm xung yếu cần phải gia cố. Hơn 500 người đã được huy động để tham gia các hoạt động ứng cứu đê bao chống lũ này. Ông Nguyễn Văn Buôn, Phó Phòng NN-PTNT huyện Hồng Ngự, cho biết trước diễn biến phức tạp và nguy hiểm của lũ, người dân đã rất tích cực tham gia, tự nguyện đóng góp cây cối để gia cố đê.
Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết lũ thượng nguồn sông Mê Kông, đầu nguồn sông Cửu Long đang lên và ở mức cao. Lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Bình Định và khu vực Bắc Tây Nguyên cũng đang lên, cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định và khu vực Bắc Tây Nguyên. |
Bình luận (0)