Nghề đúc đồng ở Phước Kiều (xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) được hình thành do một vị tiền hiền họ Dương di cư từ Thanh Hóa vào truyền dạy. Cuối thế kỷ XVIII, ở đây hình thành 2 khu vực là phường tạc tượng Đông Kiều và phường chú tượng Phước Kiều. Đến đầu thế kỷ XIX, triều Nguyễn sáp nhập 2 phường lại thành “xã hiệu Phước Kiều”. Làng đúc đồng Phước Kiều có tên từ đó.
Những người còn lại
Ông Dương Ngọc Sang là bậc cao niên đúc đồng làng Phước Kiều, được cho là người có khả năng thẩm âm tốt nhất miền Trung. 81 tuổi, hơn 60 năm làm nghề, dẫu cho làng nghề đúc Phước Kiều trải qua lắm nỗi thăng trầm, ông Sang vẫn ngày đêm miệt mài làm việc, lặn lội khắp miền để chỉnh âm cho những bộ chiêng, cồng bị lạc tiếng. “Đúc đồng là nghề truyền thống của gia đình, thế hệ của tôi là đời thứ 25. Thường thì đến 60 tuổi không ai cầm cự nổi với cái nghề nặng nhọc này nhưng tôi vẫn khỏe re. Tôi không thể bỏ nó khi chân còn đi được, tai còn nghe thấy tiếng cồng, chiêng” - ông Sang tâm sự.
Ông Sang nhớ lại những năm đầu sau giải phóng, để vực dậy làng nghề vốn rệu rã do chiến tranh, ông kêu gọi người dân trong làng tập trung về làm HTX. Trên 50 hộ tham gia vào HTX, sản phẩm bán chạy nhanh, làng nghề mau khởi sắc. Nhưng chỉ được một thời gian thì HTX tan rã, nhiều người bỏ nghề kiếm công việc khác. Riêng ông Sang và một vài bậc cao niên vẫn gắn bó với nghề.
Khởi nghiệp từ năm lên 17 tuổi, đến lúc cần an nghỉ tuổi già, ông vẫn miệt mài đeo đuổi với cái nghề cha truyền con nối. Những sản phẩm ông làm ra đa số là cồng, chiêng, thanh la cho người Cơ-tu ở Đông Giang, Tây Giang, Trà My (Quảng Nam). Tùy vào dân tộc mà mỗi sản phẩm có âm điệu khác nhau. Ông được coi nhưng bậc thầy về thẩm âm cồng chiêng, ông am hiểu nhiều về từng loại cồng, chiêng của các dân tộc ở các tỉnh thành trên khắp cả nước. Ông bộc bạch: “Tài thẩm âm của tôi chắc do trời phú. Cũng vì sống với nó cả đời nên hiểu được tiếng”.
Năm 1986, ông Sang được Liên hiệp HTX Tiểu công nghiệp thủ công Việt Nam trao tặng bằng khen vì những đóng góp trong công tác gìn giữ nghề truyền thống. Nó cũng là chứng nhận cho cả đời dành hết tâm sức vì làng nghề của ông.
Ngoài ông Sang, làng nghệ đúc đồng Phước Kiều hiện nay chỉ còn 7 nghệ nhân nhưng hầu hết tuổi cũng đã cao. Trong số này, thuộc thế hệ con cháu ông Sang, 2 hậu duệ của họ Dương là Dương Ngọc Thắng, Dương Ngọc Tiển đã nối nghiệp cha ông, dày công làm cho nghề đúc đồng khởi sắc trở lại.
Lo đến ngày không còn đỏ lửa
Nghệ nhân Dương Ngọc Thắng, 63 tuổi, sinh ra trong một gia đình 3 đời sống bằng nghề đúc đồng tại làng Phước Kiều. Để chọn hướng đi riêng, Năm 2000, ông thành lập Công ty TNHH Làng đúc đồng truyền thống Phước Kiều. Ông Thắng cho biết làm doanh nghiệp khác với HTX, phải thay đổi phương thức sản xuất, ứng dụng công nghệ mới trong chế tác, đa dạng hóa sản phẩm. Nhờ cách làm mới, qua 14 năm, từ nghệ nhân thành doanh nhân, ông Thắng không chỉ làm giàu với nghề đúc đồng mà còn góp phần phát huy tinh hoa của nghề đúc đồng. Hiện cơ sở của ông có thể chế tác trên 30 dòng sản phẩm các loại, không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu. Thời gian qua, công ty của ông nhận được nhiều đơn đặt hàng khắp nơi, nhất là các khu du lịch, resort trong và ngoài tỉnh như Palm Garden, Bana Hills, Laguna Lăng Cô, Côn Đảo Resort… Điều mà ông Thắng trân quý nhất đó là đã góp phần xây dựng thương hiệu cho đồng Phước Kiều và đặc biệt các lò đúc luôn giữ lửa với hơn 100 thợ, nghệ nhân trẻ vào nghề, có cuộc sống ổn định.
Cũng chọn cho mình lối đi riêng, lão nghệ nhân Dương Ngọc Tiển, ngoài 70 tuổi, dành hết vốn liếng và đam mê nghề nghiệp cho Công ty TNHH Du lịch - Thương mại Đồng Phước Kiều (thành lập năm 2004). Hiện nay, ngoài những sản phẩm truyền thống như cồng, chiêng, lư đồng…, công ty còn sản xuất các mặt hàng nội, ngoại thất mỹ nghệ tinh xảo, lạ mắt như đèn lồng, khay đồng chạm trổ hoa văn, gạt tàn thuốc hình búp sen, tượng Phật, lân, sư, rồng… Những sản phẩm mà nghệ nhân Tiển cho là “để đời” nhất là cặp súng thần công theo nguyên mẫu thời Nguyễn, mặt trống đồng có đường kính 1,1 m, dày 20 cm… được chế tác vào năm 2010. Mới đây nhất, công ty đã đúc thành công chiếc đồng hồ nước bằng đồng cao 2,5 m với tổng trọng lượng 500 kg; 12 con giáp cung hoàng đạo; nồi lư đồng kỷ lục 1.500 tấn… Những sản phẩm có một không hai này đánh bóng thêm tên tuổi cho đồng Phước Kiều.
Dù thành công và góp phần làm cho nghề đúc đồng hồi sinh nhưng ông Thắng và ông Tiển vẫn đau đáu với nỗi lo thất truyền sau khi lớp nghệ nhân cao tuổi như các ông qua đời. Điều mà ông Tiển ray rứt nhất là trong số những người thợ làm với ông, không có ai là con cháu trong gia đình, cũng không có người trẻ. Phần lớn họ đã quá 40 tuổi, theo nghề vì không còn việc khác mưu sinh.
“Giới trẻ chê cái nghề suốt ngày phải vùi mặt với bùn đất, khói lửa. Liệu mười năm nữa có còn ai đỏ lửa với nghề” - ông Tiển băn khoăn.
Kỳ tới: Giữ tinh hoa làng mộc
Lấy du lịch làm sức bật
Trong số 8 nghệ nhân của làng đúc đồng Phước Kiều, chỉ có 3 nghệ nhân đúc cồng, chiêng Tây Nguyên. Ngoài Phước Kiều, dọc các làng nghề khu vực miền Trung chỉ có làng Bằng Châu ở Bình Định chuyên đúc cồng, chiêng và cũng chung mối lo thất truyền sau khi phần lớn nghệ nhân cũ qua đời. Theo nghệ nhân Dương Ngọc Tiển, Phước Kiều nằm trên tuyến hành lang Hội An - Mỹ Sơn, rất thuận lợi để kết hợp sản xuất truyền thống với phát triển du lịch. Do đó, nên lấy du lịch để tạo sức bật, có chính sách thích hợp về đào tạo để thu hút lớp trẻ tham gia. Có như vậy, làng nghề và cả không gian cồng chiêng Tây Nguyên mới tồn tại được.
Bình luận (0)