Phải có tổng chỉ huy
TP nên giao cho một đơn vị có kinh nghiệm và tâm huyết quản lý, nếu không, tình trạng xả rác xuống kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sẽ khó kiểm soát
Hằng ngày, rất nhiều người dân tụ tập hai bên bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè để hóng mát, câu cá.
Trong số đó có nhiều người vô tư xả rác xuống dòng kênh. Ảnh: AN AN
Quá trình thực hiện dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè không phải là thuận buồm xuôi gió. Khó khăn về vốn, khó khăn về giải tỏa bồi thường, thậm chí vấn đề năng lực nhà thầu thi công nước ngoài cũng gây phiền phức không nhỏ. Thế nhưng, với tâm huyết của lãnh đạo TPHCM cùng sự đồng thuận cao của người dân trong khu vực hưởng lợi, đã dẫn đến thành công vượt mong đợi của dự án. Bài học kinh nghiệm này phải được trân trọng ghi nhận và phát huy.
Nặng hành chính, thiếu kiểm tra
Tiếc thay, khi dự án bắt đầu đi vào sử dụng từ tháng 8-2012, đã xuất hiện các hình ảnh không đẹp về một số người thiếu ý thức tiếp tục xả rác trực tiếp xuống kênh. Nếu không chấn chỉnh kịp thời, bao nhiêu kỳ vọng, công sức, tiền của đầu tư vào dự án lại đổ sông đổ biển khi dòng nước kênh trở lại màu đen. TP cũng đã có các biện pháp cụ thể như cho vớt rác (bình quân 10 tấn/ngày), giao chính quyền các địa phương tuyên truyền, nhắc nhở, thậm chí xử phạt hành chính các hành vi thiếu ý thức của một số người dân, kiểm soát việc xả chất rắn trực tiếp từ hệ thống thoát nước của các hộ dân vào kênh...
Tuy nhiên, các biện pháp này chưa có tính khả thi và bền vững cao do nặng tính hành chính, thiếu kiểm tra, thiếu các định chế thực hiện cụ thể trong lúc người dân xả rác trực tiếp xuống kênh đa phần chưa quen lối sống văn minh đô thị, dân trí thấp.
do đó phải hết sức giữ gìn, làm sạch môi trường, cảnh quan Ảnh: QUỐC THẮNG
Rạch ròi trách nhiệm, quản lý
Khi lập dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè, chúng ta hình như quên đưa ra các giả định rủi ro về vấn đề người dân tiếp tục xả rác và tiếp tục thải nước có chất thải rắn trực tiếp xuống kênh. Từ đó thiếu các dự án thành phần về thiết lập và thực hiện các tiêu chuẩn vệ sinh môi trường bền vững, khả thi cho cộng đồng dân cư hưởng lợi trong khu vực. Vấn đề giáo dục, tuyên truyền, thưởng phạt, cả tổ chức thực hiện cũng sẽ được đề cập trong các dự án thành phần này.
Một nguyên nhân khác thuộc về năng lực điều hành, quản lý dự án. Tuy kết thúc thực hiện dự án tốt nhưng bàn giao khai thác, quản lý sử dụng lại theo kiểu giao trách nhiệm chung chung cho các địa phương, làm theo thói quen “cha chung không ai khóc”. Theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, dự án công trình hạ tầng khi làm xong đều phải tiếp tục quản lý, đến khi nào ổn định mới giao lại cho chính quyền địa phương mà cụ thể cũng chính là các ban quản lý dự án khu vực.
Dự án 20 năm Dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè là một dự án khá nổi tiếng của TPHCM với các con số ấn tượng, chi phí đầu tư trên 8.600 tỉ đồng; mục tiêu cụ thể là giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường thoát nước cho 7 quận nội thành; khối lượng giải tỏa bồi thường khá lớn (riêng quận 1 đã là 1.540 hộ); thời gian thực hiện dự án giai đoạn 1 nếu kể cả các chuẩn bị ban đầu trên 20 năm. Đây là một trong các dự án khá thành công của TP kể từ sau ngày giải phóng, biến một dòng kênh ô nhiễm nặng thành một dòng kênh xanh; chỉnh trang các khu vực nhà dân lụp xụp trên kênh thành các tiểu đảo công viên cây xanh và các chung cư tuyệt đẹp; mở thêm 2 con đường Hoàng Sa - Trường Sa uốn lượn ven kênh vừa tô điểm cho dòng kênh vừa giải quyết bài toán kẹt xe cho TP. |
Tắc nghẽn vì rác Từ một dòng kênh ô nhiễm nặng, ken dày rác, qua hơn 10 năm cải tạo, tình trạng ô nhiễm kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã được khắc phục. Người dân quanh khu vực giờ đây có thể đi bộ, tập thể dục, ngồi hóng mát, thậm chí câu cá. Tuy nhiên, ở nhiều đoạn kênh, hiện rác đã ken dày, bít cả dòng chảy… do một bộ phận người dân thiếu ý thức xả rác bừa bãi, cùng sự lơi lỏng trong quản lý của cơ quan chức năng khiến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè có nguy cơ trở lại nguyên trạng ô nhiễm. Một số hình ảnh được phóng viên Báo Người Lao Động ghi lại vào chiều 17-2: Một người đàn ông sau khi ăn uống xong, vô tư vứt các bao ni lông xuống dòng kênh, đoạn qua địa bàn quận 1 (ảnh 1). Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nhiều đoạn chảy qua địa bàn quận 3, Tân Bình bị tắc nghẽn do rác ken dày (ảnh 2 và 3).
Quốc Thắng |
Bình luận (0)