xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giúp tìm thân nhân liệt sĩ

ĐOÀN NHƯ PHÚ

Chụp ảnh hàng ngàn bia mộ rồi đưa lên mạng, viết hàng ngàn lá thư báo tin vị trí mộ liệt sĩ đang yên nghỉ để tìm thân nhân liệt sĩ là công việc hằng ngày của thầy giáo dạy toán Nguyễn Sỹ Hồ (tỉnh Bình Dương)

Lạnh người, bối rối... là những cảm giác tôi trải qua khi vào phải  một trang blog mà giao diện tràn ngập những tấm bia mộ. Bên cạnh hàng loạt tấm bia mộ câm lặng, ám ảnh ấy là câu: “Cuộc đời vốn thế, một khi tiếng đập trống rỗng của những chiếc dạ dày tạm lắng xuống thì tiếng động thì thầm của những giá trị cội nguồn lại vang lên”.

img
Sau khi chụp hình bia mộ và viết thư báo tin, thầy Nguyễn Sỹ Hồ (bìa trái) đã giúp anh Lê Văn Lâm (người thứ ba từ trái sang), con trai liệt sĩ Lê Văn Huấn, tìm được mộ cha tại Nghĩa trang Liệt sĩ Bình Phước. Ảnh: C.T.V
 
Chụp từ sáng đến tối
 
Chủ blog trên là thầy giáo dạy toán Nguyễn Sỹ Hồ, Trường THPT Tân Bình, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Có thể gọi thầy là tay săn ảnh bia mộ số 1 VN. Khó tìm được ai  mê chụp ảnh bia mộ liệt sĩ và có cường độ chụp đáng nể như thầy. Có ngày thầy lăn lê bò trườn từ sáng đến tối mịt ở Nghĩa trang Liệt sĩ (NTLS) Bình Dương để chụp ảnh.
 
Thầy nói về lý do chụp ảnh bia mộ: “Các liệt sĩ vô danh không thể tìm được người thân đã đành. Đằng này, rất nhiều liệt sĩ có danh tánh đàng hoàng mà người thân vẫn không biết chôn ở đâu, nhất là các liệt sĩ quê phía Bắc đang yên nghỉ tại các nghĩa trang của các tỉnh phía Nam. Khi hy sinh, người thân chỉ nhận được giấy báo tử với dòng chữ: Hy sinh ở mặt trận phía Nam. Như vậy biết đâu mà tìm? Tôi chụp ảnh những tấm  bia mộ có tên rồi đưa lên mạng để thân nhân liệt sĩ biết mà tìm đến”.
 
Trò chuyện với tôi trong căn phòng ọp ẹp của mình, đôi mắt của thầy ngấn nước khi nhắc lại nỗi đau của gia đình mình: “Mẹ tôi bị bom Mỹ sát hại năm 1972. Anh trai tôi hy sinh không tìm được xác. Nghe một người đồng đội của anh nói anh hy sinh ở Quảng Trị, tôi lùng sục khắp 72 NTLS của tỉnh này. Cuối cùng chỗ anh tôi nằm lại là một NTLS ở Long An”. Sau nhiều năm ròng ra Bắc vào Nam  tìm mộ anh, thầy nghĩ ra ý tưởng  đưa tất cả bia mộ có danh tánh trong các nghĩa trang lên mạng để thân nhân các liệt sĩ đỡ mất thời gian lặn lội tìm kiếm.
 
Suốt 2 năm nay, thầy Hồ dò dẫm chụp hình từng bia mộ có tên tuổi trong  NTLS ở Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Tiền Giang... để đưa lên mạng. Mắt kém, tay run, nhiều chuyến đi hình bị nhòe không đọc được tên liệt sĩ, thầy phải cưỡi chiếc xe máy cà tàng của mình vượt hàng chục, hàng trăm cây số đi chụp lại. Có nghĩa trang có đến hàng ngàn ngôi mộ, thầy chụp xong một lượt là nằm thở hổn hển mới đủ sức cưỡi xe về. 
  
Mang lại niềm vui sum họp
 
Đến nghĩa trang nào thầy Hồ cũng hỏi thăm người quản trang những phần mộ không có thân nhân đến thắp hương, thăm nom. Sau đó dựa theo địa chỉ, quê quán liệt sĩ trên bia mộ, thầy viết thư gửi cho gia đình họ. Phần lớn những lá thư của thầy gửi ra Bắc. “Bây giờ nhiều  tên xã, tên huyện đã đổi khác. Nhiều gia đình liệt sĩ cũng không còn sống nơi cũ nên nhiều thư không thể tới nơi cần tới” - thầy Hồ ngậm ngùi nói.
 
Tuy nhiên, trong những lá thư cầu may ấy, nhiều thư đã có hồi âm. Thầy Hồ vẫn nhớ một buổi chiều cách đây không lâu, sau khi nhận được thư báo tin về vị trí mộ của liệt sĩ Nguyễn Xuân Trình, quê Hải Dương (Hải Hưng cũ), người nhà liệt sĩ gọi điện thoại vào cho thầy nghẹn ngào: “Từ trước đến nay, gia đình cũng nghe tin là liệt sĩ Trình yên nghỉ trong đó nhưng chưa biết nơi đâu. Hôm nay nhận được thư báo của anh, chúng tôi mừng muốn rơi nước mắt...”.
 
Có gia đình nhiều thế hệ cất công đi tìm mộ liệt sĩ nhưng mãi vẫn không thấy, như gia đình liệt sĩ Lê Văn Huấn (Thanh Hóa). Bố liệt sĩ Huấn tìm mộ con đến sức tàn lực kiệt, đến con của liệt sĩ Huấn là anh Lê Văn Lâm rà tìm hàng chục nghĩa trang cũng không ra mộ cha. Anh Lâm kể lại qua điện thoại: “Hôm bưu tá mang thư báo tin của thầy Hồ đến, tôi không có nhà, đứa con trai 10 tuổi của tôi nhận thư và mở ra đọc. Khi tôi vừa về, nó reo lên: “Tìm được mộ ông nội rồi bố ơi!”. Một tuần sau, tôi vào Nam nhờ thầy Hồ dẫn đi “gặp cha” ở NTLS Bình Phước”.
 
Hai năm nay, nhờ blog và những lá thư của thầy Hồ, hàng trăm phần mộ các liệt sĩ có quê quán ở phía Bắc được người thân biết đã vào hương khói hoặc đón về quê.
 
Nhiều sai sót trên bia mộ!
 
Trong hành trình đi tìm bia mộ của anh, thầy giáo Hồ được Ban Chính trị Trung đoàn 271 (đóng ở huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) cho tiếp cận và nghiên cứu tàng thư của trung đoàn. Đối chiếu những dữ liệu về hàng trăm liệt sĩ trong tàng thư với tên tuổi, quê quán trên những tấm bia mộ được ghi ở nghĩa trang Bình Dương và các tỉnh khác, thầy Hồ phát hiện rất nhiều bia mộ ghi sai. Chính điều này đã khiến người thân của các liệt sĩ không nhận ra.
 
Điển hình sau khi chụp hình bia mộ liệt sĩ Hoàng Thiện, hy sinh ngày 14-8-1972, thuộc Trung đoàn 271, quê Vĩnh Phú - Vĩnh Linh - Bình Trị Thiên (nay thuộc tỉnh Quảng Trị), thầy Hồ định viết thư báo tin theo địa chỉ này thì phát hiện thông tin trên bia mộ khác hẳn với thông tin trong tàng thư của Trung đoàn 271. Tàng thư cho thấy hy sinh ngày 14-8-1972 chỉ có liệt sĩ Hoàng Thơm, không có ai tên Hoàng Thiện; hơn nữa, quê Vĩnh Tú, không phải Vĩnh Phú. Thầy Hồ liền viết thư báo tin cho gia đình liệt sĩ Hoàng Thơm theo địa chỉ trong tàng thư. Thế là gia đình liệt sĩ Thơm đã vào Bình Dương thắp nén nhang đầu tiên sau 37 năm ngày anh hy sinh và làm thủ tục xin di chuyển hài cốt về quê.
 
Hàng chục sai sót như trên đã được thầy Hồ dẫn chứng một cách thuyết phục trên blog http://nguyensyho.wordpress.com/ hoặc http://teacherho.vnweblogs.com của mình. “Việc sai sót một vài thông tin trong công tác quy tập mộ liệt sĩ là bình thường. Tuy nhiên, nếu không nhanh chóng đối chiếu với tàng thư và tìm mọi cách để trả liệt sĩ về đúng tên tuổi và quê quán của họ thì nhiều liệt sĩ mãi mãi không thể sum vầy với gia đình” - thầy Hồ trăn trở.

Ước như Quảng Trị

 
Thầy Nguyễn Sỹ Hồ vừa  được tuyên dương trong Đại hội Thi đua yêu nước do Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Bình Dương tổ chức. Tại đại hội khi được mời giao lưu, thầy Hồ nêu mong muốn Sở LĐ-TB-XH tỉnh tạo điều kiện để thầy giúp các thân nhân liệt sĩ tìm được mộ. Thầy nói với chúng tôi:  “Có nhiều nơi đã từ chối khi tôi đến xin danh sách liệt sĩ đang chôn cất ở địa phương. Do không xin được danh sách, tôi mới tốn  công sức đi tới các NTLS để chụp hình bia mộ”.
 
Theo thầy Hồ, hiện Quảng Trị là tỉnh hiếm hoi đưa tất cả danh sách liệt sĩ đang chôn cất ở 72 NTLS trong tỉnh lên mạng, nhờ đó thân nhân liệt sĩ khắp cả nước biết mà tìm đến. Thầy Hồ băn khoăn: “Công việc tổng hợp danh sách, đưa lên mạng hết sức đơn giản nhưng có ý nghĩa lớn lao. Không hiểu tại sao các tỉnh, thành không làm?”.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo