Để gỡ rối những vướng mắc liên quan đến thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với chuyển nhượng bất động sản (BĐS), Tổng cục Thuế vừa ban hành Công văn 3929 hướng dẫn thêm về việc thu thuế TNCN đối với chuyển nhượng hợp đồng góp vốn mua BĐS. Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, văn bản này vẫn còn nhiều điểm vướng, có thể gây ra nhiều tranh cãi khi áp dụng vào thực tế.
Theo hướng dẫn của công văn, người chuyển nhượng được tính lãi vay vào chi phí khi tính thuế TNCN với điều kiện phải có hợp đồng vay vốn với ngân hàng, dùng tiền vay để góp vốn hoặc nộp tiền mua nhà, có chứng từ trả lãi tiền vay.
Thực tế hiện nay, người kinh doanh BĐS rất khó vay vốn từ ngân hàng mà thường phải vay của các tổ chức, cá nhân khác và phải trả lãi tiền vay. Nếu khoản vay này không được tính vào chi phí khi tính thuế TNCN sẽ gây nhiều khó khăn cho người kinh doanh và tạo sự bất bình đẳng giữa các cá nhân nộp thuế. Trong khi đó, từ năm 2008, Thông tư 84/2008/TT – BTC hướng dẫn thi hành Luật Thuế TNCN của Bộ Tài chính đã quy định rõ:
Trường hợp vay của các đối tượng không phải là ngân hàng, tổ chức tín dụng thì chi phí trả lãi tiền vay được căn cứ vào hợp đồng vay nhưng mức tối đa không quá 1,5 lần mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước VN công bố tại thời điểm vay.
Ở cấp cao hơn, Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp chấp nhận tính vào chi phí hợp lý các khoản vay không phải ngân hàng, tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế (theo lãi vay thực tế nhưng không vượt quá 150% lãi suất cơ bản tại thời điểm vay). Các chuyên gia về thuế cho rằng Tổng cục Thuế nên chấp nhận khoản vay tính vào chi phí khi vay của đối tượng không phải là ngân hàng. Đối với ngân hàng, tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế thì lãi suất vay theo hợp đồng vay. Khi vay ngoài hệ thống ngân hàng, lãi suất tính theo lãi vay thực tế nhưng không vượt quá 150% lãi suất cơ bản tại thời điểm vay.
Cũng trong Công văn 3929, Tổng cục Thuế đã quy định cụ thể những trường hợp được nộp thuế 2% trên giá chuyển nhượng gồm: Đã chuyển nhượng qua nhiều chủ và đã làm thủ tục chuyển nhượng với chủ đầu tư trước ngày 26-9 nhưng không xác định được giá vốn của người mua đứng tên trên hợp đồng; giá chuyển nhượng thấp hơn giá do UBND tỉnh quy định; không xác định được giá thực tế hoặc giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá thị trường tại thời điểm chuyển nhượng.
Thế nhưng đối với trường hợp cá nhân mới góp một phần vốn, việc xác định giá chuyển nhượng cũng không rõ ràng. Công văn 3929 quy định việc ấn định giá theo hướng dẫn của Thông tư 84/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính. Trong khi đó, Thông tư 84 của Bộ Tài chính chỉ hướng dẫn cách ấn định giá chuyển nhượng tính trên toàn bộ giá trị nền đất theo giá quy định của địa phương, chứ không xét đến yếu tố cá nhân đã hoàn thành việc góp vốn hay chưa.
Bình luận (0)