“Dù đã rất nhiều lần đưa khách đi du lịch Ấn Độ, nhưng chuyến đi với gia đình GS Ngô Bảo Châu quả là vinh dự bất ngờ và không thể quên được. Nghe danh GS Châu đã lâu nhưng không ngờ tôi lại có dịp trực tiếp đưa anh sang Ấn Độ nhận giải thưởng”, anh Tuấn mở đầu câu chuyện với CTV báo Người Lao Động.
Chuyến đi “độc nhất vô nhị”
Gia đình GS Ngô Bảo Châu đến Ấn Độ nhận giải thưởng dưới dạng một tour du lịch. Chương trình làm việc tại Ấn Độ kéo dài 9 ngày 8 đêm, bắt đầu từ ngày 13-8 đến ngày 21-8.
GS Ngô Bảo Châu cùng gia đình lên đường sang Ấn Độ (Ảnh: NLĐO)
Trước ngày dự Đại hội Toán học thế giới (ICM), gia đình GS Châu đã đi thăm nhiều địa danh xinh đẹp của thành phố New Delhi, như Pháo đài đỏ (Red Fort), Qutub Minar (tòa tháp bằng đá cao nhất Ấn Độ được xây dựng năm 1192 ghi công chiến thắng Ghori), tượng đài tưởng niệm chiến tranh India Gate (đài tưởng niệm 90.000 anh hùng quốc gia hy sinh trong Thế chiến I), nhà bảo tàng Gandhi, cung điện Hawa Mahal (Lâu đài của gió)…
Đoàn gồm 17 người trong gia đình GS Châu, có cả người già và trẻ em nên ngoài những kỹ năng hướng dẫn, anh Tuấn không quên chuẩn bị sẵn muối vừng, lạc rang mang theo do ẩm thực Ấn Độ rất khó ăn, nhất là món Cari vừa mặn vừa cay lại không có rau.
GS Châu cùng anh Trần Đức Tuấn
Đời thường của một trí tuệ lớn
Là một trí tuệ lớn của nhân loại, nhưng trong cảm nhận của anh Tuấn, GS Châu không hề có vẻ xa cách. Tuy là nhà Toán học nhưng GS Châu hiểu biết rộng và sâu về văn hóa, du lịch.
“Tôi cứ nghĩ là giáo sư, được nhiều người ngưỡng mộ, hẳn GS Châu rất khó tiếp xúc. Nhưng không phải! Chín ngày dẫn đoàn, tôi thấy anh rất cởi mở, lịch sự trong giao tiếp. Khoảng cách hầu như bị phá vỡ, những cuộc trò chuyện giữa chúng tôi như anh em trong nhà”, anh Tuấn kể.
“Anh Châu là người kín đáo, ít cười và rất cẩn thận. Dù đã sống và làm việc tại nhiều nước khác nhau trong thời gian khá lâu nhưng trước khi sang Ấn Độ, anh Châu tìm hiểu khá kỹ về những địa điểm anh sẽ đến” – anh Tuấn chia sẻ - “Tôi đặc biệt ấn tượng với hình ảnh GS Châu cưng nựng cô con gái út trong những lúc theo đoàn đi tham quan. Mỗi khi cô bé kêu mệt, anh lại khom lưng cõng con suốt cả chặng đường dài”.
Gia đình GS Châu tham quan Ấn Độ
Trong chuyến đi, anh Tuấn may mắn ở cùng phòng với GS.TSKH Ngô Huy Cẩn – cha của GS Châu. Những lúc rảnh rỗi, GS Cẩn lại tâm sự chuyện gia đình và học hành khi GS Châu còn nhỏ.
Theo lời kể, GS Châu hoàn toàn được tự lựa chọn những môn học theo sở thích, GS Cẩn là người khơi gợi hứng thú và giữ lửa đam mê cho con. Ngoài ra, hai vợ chồng GS Cẩn còn có “nhiệm vụ”… nhắc con đi ngủ sớm để giữ sức khỏe sau giờ học.
Phỏng vấn các nhà toán học đoạt giải Fields sau lễ trao giải
Sau khi nhận giải Fields do đích thân Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil trao tặng, ngay trong tối 19-8, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ mở tiệc chiêu đãi toàn đoàn.
Cùng với đại diện của Đại sứ quán, Viện Toán học Việt Nam, các lưu học sinh Việt Nam tại Ấn Độ, bữa tiệc còn đón vợ chồng GS Lomont – thầy của GS Châu tại Pháp - và Viện trưởng Viện toán học Ấn Độ.
“Tôi còn nhớ trong không khí hào hứng ấy, GS Cẩn bỗng thấy mệt. Có lẽ chứng cao huyết áp cộng với thành tích của con trai khiến ông quá xúc động”, anh Tuấn nói.
GS Châu cùng vợ chồng người thầy Lomont
Bình luận (0)