xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hà Nội: Nháo nhào nhịp sống ngày đầu đổi giờ

N.Dung - Th.Kha

(NLĐO)- Tính đi tính lại mà vẫn không tìm được phương án nào khả thi nên trong ngày đầu tiên đổi giờ học giờ làm (1-2), cô giáo THPT Trần Thị Thu Phương đã phải xin nghỉ phép hẳn 3 ngày chỉ để đưa con đi học nhằm tìm hương án thích nghi tối ưu để "các con đỡ khổ".

Từ sáng nay 1-2, Hà Nội đồng loạt điều chỉnh giờ học, giờ làm tại 10 quận và 2 huyện. Nhóm phải đẩy giờ lên sớm hơn là học sinh THPT, TCCN, CĐ và ĐH, học trước 7 giờ sáng, các bậc còn lại bắt đầu từ 8 giờ.

 

Ngay từ 6 giờ 30 phút, khi đường phố còn vắng vẻ thì nhiều cổng trường THPT, ĐH đã tấp nập học sinh, sinh viên. Trước cổng trường THPT Việt Đức, Nguyễn Trãi, Phan Đình Phùng, Học viện Báo chí, ĐH Công đoàn... không xảy ra ùn tắc. Nguyên nhân, theo Đại tá Nguyễn Duy Ngọc - Trưởng phòng CSGT CATP Hà Nội, là do lượng người tham gia giao thông chưa nhiều bởi sinh viên nhiều trường ĐH chưa đến trường và số lượng người lao động ngoại tỉnh về nghỉ Tết vẫn chưa lên Hà Nội.

 

img
Mới hơn 6 giờ sáng nhưng nhiều phụ huynh đã phải đưa con đến lớp để còn kịp giờ học, giờ làm
 
Là ngày đầu tiên nhưng sự thay đổi giờ giấc đã tác động lớn tới nhịp sống hằng ngày của người dân Thủ đô, dẫn tới những đảo lộn không dễ dàng thích nghi được ngay.

 

Mới bảnh mắt 6 giờ 30 sáng, chị Trần Thị Thu Phương (giáo viên THPT Trần Phú, quận Hoàn Kiếm) đã phóng ào đến trường mầm non cách nhà 2 km để đưa cậu con trai nhỏ 3 tuổi đến lớp dù giờ vào học của cháu là 8 giờ sáng. Vừa đưa cháu vào lớp vắng hoe, chị Phương lại tất tả lấy xe máy chở cậu con trai lớn học lớp 5 tới trường Tiểu học cách đó 3 km.

 

"Trước đây, các cháu được đi học trễ hơn 15 phút vì mẹ phải hơn 7 giờ mới đến trường nhưng nay bậc THPT phải vào học trước 7 giờ nên tôi buộc phải đưa các cháu đến trường sớm hơn để còn kịp lên lớp", cô giáo Trần Thị Thu Phương than thở.

 

Do chồng công tác xa nhà nên việc đưa đón con đi học đều do một mình chị Phương gánh vác vì ông bà nội, ngoại đều đã trên 80 tuổi.

 

"Sáng đã vậy, chiều hai đứa con cũng phải chờ mẹ, vì giờ làm việc của mẹ muộn hơn con từ 1- 1,5 giờ đồng hồ. Mà thời tiết thì giá lạnh thế này. Đón được hai đứa con đưa về đến nhà cũng đã gần 8 giờ tối, lịch sinh hoạt cả gia đình đảo lộn hết cả. Thời tiết giá lạnh thế này chỉ sợ con ốm đau còn mình cũng chẳng biết có sức để chuẩn bị cho ngày mới hay không", chị Phương thở dài.

           

Tính đi tính lại mà vẫn không tìm được phương án nào khả thi nên trong ngày đầu tiên thực hiện thay đổi giờ học, giờ làm chị Phương đã phải xin nghỉ phép để ở nhà đưa đón con.

 

“Thời gian nghỉ phép tối đa cũng chỉ được 3 ngày để tìm phương án thích nghi tối ưu cho các con bớt khổ. Nhờ ông bà nội ngoại thì không được thì ông bà đều trên 80 tuổi không còn khả năng trông cháu”- cô giáo Phương bày tỏ.

 

Ngày đầu tiên thực hiện đổi giờ học cũng làm nhiều học sinh THPT Hà Nội cuống cuồng do phải dậy sớm hơn thường lệ ít nhất là 30 phút.

 

Tại trường THPT Minh Khai (xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm, Hà Nội), nhiều học sinh cho biết không muốn thay đổi giờ học mới như hôm nay. Các em cho biết mặc dù đã được nhà trường thông báo trước nhưng theo quan sát của chúng tôi tới gần 7 giờ sáng vẫn rất ít em có mặt tại trường.

 

img
Học sinh trường Trường THPT Minh Khai đang vội vã đến trường
 
“Lúc dậy nhìn đồng hồ em vội vàng mặc quần áo rồi chạy tới trường luôn, còn chưa kịp ăn sáng. Nhà em cách trường hơn 4km nên nếu tan học muộn quá như quy định bây giờ thì bố mẹ sẽ rất lo” - em Thu Trang, một học sinh lớp 11 cho biết.

 

Vào học trễ hơn và tan muộn hơn cũng làm nhiều bậc phụ huynh và nhà trường mầm non cũng như tiểu học và THCS phải có những phương án thích ứng.

 

Bà Vân Anh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Diệu (phố Đội Cấn, quận Ba Đình) cho biết, nhà trường đã lên phương án trông trẻ sau giờ tan học khi bố mẹ các cháu chưa kịp tới đón. "Việc làm này giúp tránh cảnh học sinh phải lang thang, chờ đợi ở cổng hoặc trong sân trường", bà Vân Anh nói.

 

Trong khi đó, bà Nguyễn Hương, Hiệu trưởng trường Mầm non Cát Linh (quận Đống Đa), cho biết do đặc thù cấp học phải bố trí ít nhất 2 giáo viên/lớp nên việc tiếp nhận trẻ vào buổi sáng và trông trẻ sau giờ học được luân chuyển cho nhau.

 

Việc trông trẻ sẽ được thực hiện đến 17 giờ 30. Trường hợp sau giờ này phụ huynh vẫn chưa đến đón trường sẽ đưa các cháu vào các lớp trông trẻ muộn.

 

Trong khi trường mầm non, tiểu học thì đã có thể tạm an tâm thì các trường THCS lại đang ở trạng thái lo lắng bởi hiện nay không phải trường THCS nào cũng đáp ứng đủ phòng học để học một ca chính.

 

Tình trạng học 2 ca (sáng - chiều) khá phổ biến nên khung giờ học mới sẽ khiến thời gian giữa hai ca học bị rút ngắn, có thể sẽ gây ra cảnh hỗn loạn trước cổng trường vào khoảng thời gian này.

 

Theo chị Trần Thị Thu Phương, đổi giờ học, giờ làm không chỉ làm xáo trộn sinh hoạt của nhiều gia đình mà ngay cả các trường học cũng phải thay đổi.

 

"Việc trước mắt mà nhiều trường làm có thể là lắp đèn cao áp trong khuôn viên của trường để có thêm ánh sáng khi thời gian học quá muộn. Cùng đó, công tác an ninh có thể sẽ vất vả hơn" chị Phương nêu ý kiến.
 
img
Đổi giờ học, giờ làm gây ra nhiều xáo trộn cuộc sống của người dân
 

Cũng ngay trong ngày đầu tiên đổi giờ học và giờ làm ở Hà Nội vẫn xuất hiện tình trạng tặc nghẽn cục bộ trên nhiều tuyến phố, nhất là trước các cổng trường tiểu học và THCS. Đến 7 giờ 30 phút, nhiều tuyến phố bắt đầu tắc nghẽn. Phố Thái Thịnh, nơi có trường Tiểu học và THCS Thái Thịnh, dòng người ken đặc.

 

Tương tự, tuyến phố nhỏ hẹp Hồ Đắc Di, nơi có Tiểu học Bế Văn Đàn, ùn tắc kéo dài. Người và xe bị kẹt cứng, không thể nhúc nhích nên dù trường học nằm ngay cạnh đó nhưng nhiều học sinh và phụ huynh đành chấp nhận đến muộn vì không thể di chuyển được. Chị Dương Thị Hà (Tập thể  Nam Đồng) cho biết, do đường tắc lên chị đã phải gửi lại xe máy, dắt cậu con trai len lỏi giữa dòng xe cộ đan xen chật ních đến lớp.

 

Gần 8 giờ, tình trạng tắc nghẽn cũng xuất hiện trên phố Nguyễn Văn Huyên (đoạn qua THCS Lê Quý Đôn và Dịch Vọng). Do 8 giờ các em bắt đầu vào học nên ôtô, xe máy của phụ huynh tập trung khá đông trước cổng trường. Nhiều bậc phụ huynh than thở tắc thế này thì lại đến cơ quan muộn giờ làm thôi.
 
Từ ngày 1-2, các trường ĐH, CĐ, THCC, dạy nghề, THPT ở Hà Nội bắt đầu học từ trước 7 giờ, kết thúc sau 19 giờ.
 
Các trường mầm non, tiểu học, THCS học từ 8 giờ và kết thúc vào 17 giờ (phải bố trí người tiếp nhận học sinh từ 7 giờ 30 và quản lý học sinh đến 17 giờ 30).

  

Các cơ quan, tổ chức của trung ương, thành phố, quận huyện, xã phường, thị trấn bắt đầu làm việc vào 8 giờ và kết thúc vào 17 giờ.
 
Các trung tâm thương mại dịch vụ (trừ ngân hàng, tài chính) bắt đầu làm từ 9 giờ và kết thúc sau 19 giờ. Nhà máy, xí nghiệp làm theo ca, lực lượng vũ trang nhân dân... giữ nguyên thời gian làm việc như hiện tại.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo