Liên quan đến công tác biên chế hành chính, sự nghiệp, ông Trần Huy Sáng, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, cho hay thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, từ cuối năm 2015, TP đã ban hành kế hoạch rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp. Ban Cán sự Đảng TP Hà Nội cũng đã chỉ đạo thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản tới tất cả các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã với tinh thần 5 rõ: rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả công việc; một việc một đầu mối xuyên suốt, với cách làm bài bản, dân chủ.
Giảm mạnh biên chế
“Kết quả, TP Hà Nội đã hoàn thành sắp xếp bộ máy 22 sở và tương đương. Sau sắp xếp, từ 204 phòng, ban giảm còn 158, tức giảm 46; giảm 26 trưởng phòng, 116 phó trưởng phòng. Số trưởng, phó phòng dôi dư được giảm dần trên cơ sở nghỉ hưu, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm ở những vị trí thích hợp” - ông Sáng cho biết.
Một điểm giao dịch với người dân của bộ máy hành chính tại Hà Nội Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG
Theo ông Sáng, Sở Nội vụ TP Hà Nội cũng đã hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Theo đó, từ 401 đơn vị giảm còn 280, tức giảm 121 đơn vị, tương ứng 30,2%.
Các quận, huyện, thị xã ở Hà Nội cũng đã cơ bản hoàn thành phương án sắp xếp các phòng chuyên môn thuộc UBND. Cụ thể, sáp nhập 61 trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề thành 30 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện. Hà Nội cũng cơ bản hoàn thành sắp xếp 70 ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thuộc TP thành 8 ban quản lý dự án theo lĩnh vực thuộc TP và 30 ban quản lý dự án khu vực thuộc quận, huyện, thị xã.
Về kết quả thực hiện biên chế, UBND TP Hà Nội đã giao biên chế cho các đơn vị theo đúng Nghị quyết số 07 của HĐND TP. Số thực hiện tính đến ngày 1-10 đều thấp hơn số HĐND TP giao. Cụ thể, với biên chế hành chính, biên chế công chức: số được giao là 9.267 nhưng thực hiện chỉ 8.807 người; lao động hợp đồng: giao 1.766 chỉ tiêu, thực hiện 1.561. Về biên chế sự nghiệp, số giao biên chế viên chức là 133.793 nhưng thực hiện 124.970; số giao lao động hợp đồng 20.983 nhưng thực hiện là 16.051.
Xây dựng cơ chế đặc thù
Năm 2017, TP Hà Nội được duyệt biên chế công chức 9.116 người theo đúng số Chính phủ giao, giảm 151 biên chế, gồm 141 biên chế theo tỉ lệ 1,5% và 10 biên chế tách chuyển sang Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội. Lao động hợp đồng theo Nghị định số 68 là 1.369 chỉ tiêu, tăng 17 chỉ tiêu. Lao động hợp đồng theo định mức không đổi với 412 chỉ tiêu. Số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập là 156.740 biên chế.
Về giải pháp tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế thời gian tới, ông Trần Huy Sáng cho hay các cơ quan, đơn vị đều xác định bằng các biện pháp khác nhau để giảm biên chế 10% đến năm 2021. “Để đẩy nhanh tinh giản biên chế, ngoài việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, chuyển đổi sang doanh nghiệp, công ty cổ phần, xã hội hóa, TP còn đang xây dựng cơ chế đặc thù để khuyến khích các đối tượng tự nguyện nghỉ, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức” - ông Sáng giải thích.
Giải pháp cụ thể khác được TP Hà Nội đề xuất là đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị định số 108 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế; đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện tinh giản biên chế của ngành, cấp mình. Đồng thời, nghiên cứu tiêu chí định lượng trong việc đánh giá cán bộ của TP; chi tiết hóa việc đánh giá theo ngành, lĩnh vực trên cơ sở vị trí việc làm, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức gắn với công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật và bổ nhiệm cán bộ; tổ chức thực hiện, giám sát tốt việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.
“Ngoài ra, kế hoạch của TP còn là đổi mới công tác tuyển dụng công chức, viên chức. Trong đó, chú trọng ứng dụng công nghệ tin học vào tuyển dụng công chức, viên chức, bảo đảm tối đa nguyên tắc cạnh tranh khách quan, công bằng, minh bạch, thực tài, chống tiêu cực trong thi cử, nâng cao chất lượng đầu vào của công chức, viên chức. Nghiên cứu xây dựng chính sách, cơ chế tạo nguồn, trọng dụng tài năng, nguồn nhân lực chất lượng cao để thu hút và có chế độ đãi ngộ tương xứng” - lãnh đạo Sở Nội vụ TP Hà Nội cho biết.
Đại diện TP Hà Nội còn nêu giải pháp đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo đúng chương trình, kế hoạch đã đề ra. Trong đó, coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, kỹ năng xử lý công việc, tác phong công tác, nâng cao hiệu quả giải quyết công việc của cán bộ, công chức, viên chức.
TP Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục báo cáo Chính phủ, Bộ Nội vụ giải quyết dứt điểm những tồn tại về viên chức thực hiện nhiệm vụ công chức tại các chi cục thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; chấn chỉnh các đơn vị hành chính, sự nghiệp công lập của TP sử dụng lao động hợp đồng không đúng quy định, vượt số biên chế được giao.
Cần Thơ: Bố trí cấp phó dư sang cơ quan khác
Ngày 7-12, theo nguồn tin của Báo Người Lao Động, UBND TP Cần Thơ vừa có báo cáo gửi Bộ Nội vụ về việc 5 trong số 20 sở, ngành của TP dư cấp phó. Trong đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư có 5 phó giám đốc, thừa 2 người; Sở Nội vụ, Sở Y tế, Ban Dân tộc và Văn phòng UBND TP Cần Thơ đều có 4 cấp phó, thừa 1 người/cơ quan.
Theo quy định, số lượng phó giám đốc ở mỗi sở không quá 3 người, riêng TP HCM và Hà Nội không quá 4 người. Cần Thơ hiện có 3 cơ quan thiếu cấp phó là Sở Giáo dục - Đào tạo, Sở Khoa học - Công nghệ và Thanh tra TP. Với số cấp phó dư nêu trên, Cần Thơ đang chủ trương bố trí tại những đơn vị còn thiếu nhưng sẽ xem xét chuyên môn cho phù hợp. C.Linh
Bình luận (0)