Tiếng la thất thanh của những bệnh nhân bị tai nạn giao thông (TNGT), những gương mặt căng thẳng của người thân chờ đợi từ bên ngoài phòng cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy cứ tăng dần theo thời gian. Vừa đưa một bệnh nhân bị chấn thương sọ não do TNGT từ Đồng Nai về, chị Lê Thị Oanh, nhân viên phục vụ Khoa Cấp cứu, vừa lau mồ hôi vừa nói: “Mỗi ngày chúng tôi chia ba ca trực, tuy nhiên bệnh nhân được chuyển đến dồn dập rơi vào ca ba, từ 21 giờ đến 6 giờ hôm sau, nên ê-kíp trực rất mệt mỏi nhưng phải cố gắng vì trách nhiệm với mạng sống con người”.
Một số ca chấn thương sọ não được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy từ ngày 30-4 đến 3-5
Trắng đêm cứu người
Khoảng 22 giờ ngày 30-4, xe cứu thương còn cách Bệnh viện Chợ Rẫy khá xa nhưng tiếng còi đã hú liên tục để các phương tiện giao thông nhường đường, cùng lúc các bảo vệ bấm nút tự động mở rộng cổng. Một người đàn ông trung niên nằm giẫy giụa trên băng ca với khuôn mặt đầy máu được các điều dưỡng đưa vào phòng cấp cứu. Người nhà ông đứng ngoài cửa sổ, thỉnh thoảng thò tay vào lấy khăn giấy chậm máu liên tục chảy ra từ miệng.
Công tác sơ cứu hoàn tất, một người trong gia đình ông ngồi tựa vào băng ghế một cách mệt mỏi. Khi được hỏi, người phụ nữ đưa nạn nhân nhập viện, cho biết: “Ông ấy là chồng tôi, đi nhậu về tự té xe, đầu đập xuống đường. Trước đây cũng đã một lần thập tử nhất sinh và ảnh hưởng đến thần kinh, lần này không biết sao nữa!”.
Bên trong Khoa Cấp cứu, hàng chục bệnh nhân nằm bất động với thương tích đầy mình. Một số người đầu băng trắng xóa, tay chân được cột vào thành giường. Một bác sĩ cho biết phải cột tay bệnh nhân vì nếu không cẩn thận nhiều người bệnh lúc tỉnh lúc mê, lên cơn co giật giẫy giụa ngã xuống sàn.
Cứ 5 phút, tiếng còi xe cứu thương lại hú vang trước Khoa Cấp cứu, nhân viên bệnh viện lại mướt mồ hôi đẩy bệnh nhân vào sơ cứu. Càng về khuya, bệnh nhân từ khắp nơi được chuyển về liên tục, lúc này các nhân viên phục vụ cũng lả người. Những bệnh nhân bị chấn thương nặng cứ la hét, rên rỉ khi được sơ cứu. 24 giờ, mặc dù mệt mỏi nhưng hầu hết người nhà các bệnh nhân đều đứng ngồi không yên vì lo lắng. Không gian yên tĩnh được vài phút bỗng dưng một bệnh nhân hét to làm những người đang nằm trên ghế đá cũng giật mình chồm dậy.
Không ít người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm thời trang. Ảnh: TẤN THẠNH
Hối tiếc thì đã muộn
Trong số hàng trăm bệnh nhân bị TNGT từ khắp nơi chuyển về Bệnh viện Chợ Rẫy trong những ngày lễ, có không ít vụ chấn thương sọ não do nạn nhân đội mũ bảo hiểm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.
Chiếc xe cứu thương mang biển số Long An vừa đỗ trong khu vực Khoa Cấp cứu, hai người phụ nữ tay chân dính đầy máu vội vã mang đồ dùng sinh hoạt đặt xuống đất rồi cùng nhân viên bệnh viện khiêng một thanh niên đầu được băng kín nằm bất động. Chị Bình, người đưa nạn nhân đi cấp cứu, cho biết: “Em trai tôi đi dự đám giỗ về, khi lái xe đã có chút rượu. Một số người bạn nó cho biết khi đang chạy xe, chiếc mũ bảo hiểm lỏng quai bay ngược ra phía sau. Xe lảo đảo, em tôi mất thăng bằng nên ngã và đập đầu xuống đất”.
Chị nói tiếp: “Chứng kiến hiện trường vụ tai nạn mà tôi không còn muốn chạy xe máy nữa, chiếc mũ bảo hiểm vỡ vụn, mặt em tôi bê bết máu một phần vì bị cà xuống đường, phần vì mảnh vỡ của mũ bảo hiểm đâm vào mặt. Bác sĩ ở Long An bảo nó bị chấn thương sọ não nên chuyển lên đây!”. Người phụ nữ này cho biết ở quê chị những loại mũ bảo hiểm mẫu mã đẹp, rẻ tiền được bán đầy đường. Người dân mua sử dụng để đối phó khi gặp CSGT chứ mua loại đắt tiền rất phí, nếu bị mất cắp cũng không tiếc!
Ngồi trước phòng cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy để chờ người thân, nghe chúng tôi bàn tán xung quanh chiếc mũ bảo hiểm, anh Lê Minh Hoàng tham gia: “Em trai tôi cũng vừa được chuyển từ Bệnh viện Bà Rịa - Vũng Tàu lên đây. Sau vụ này gia đình tôi thấy hối tiếc và ham rẻ nên mua mũ bảo hiểm bày bán trên các xe đẩy với giá chỉ 30.000 đồng- 40.000 đồng. Bác sĩ bảo nếu em tôi đội loại mũ chất lượng hơn thì sẽ không bị tụ máu não dẫn đến viêm nhiễm sau hơn 2 tuần được điều trị ở bệnh viện tỉnh”.
Trong lúc chờ chụp hình đầu, kiểm tra tình hình sức khỏe, anh Hoàng chỉ người em trai nằm trên băng ca mặt mũi khôi ngô nhưng chỉ biết cười mà không nói năng gì được. “Lúc trước nó làm thợ sửa xe giỏi lắm, sắp đi hỏi vợ, giờ coi như tan nát” - anh Hoàng thở dài.
Tiếng hú của xe cứu thương lại dồn dập vang lên. Lần này, bước xuống cửa xe là một cô gái chừng 20 tuổi mặt đầy máu với nhiều vết thương ở cánh tay. Một người bạn đi cùng cho biết: khi tai nạn xảy ra, cô gái té xuống đường, chiếc mũ bảo hiểm vừa mới mua bể vụn, đâm vào mặt nạn nhân gây thương tích.
Khổ vì mũ bảo hiểm thời trang
Anh Tường đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy
Anh Lê Nguyễn Mạnh Tường (26 tuổi, ngụ thị trấn Củ Chi-TPHCM) đã nằm điều trị tại Khoa Chấn thương sọ não Bệnh viện Chợ Rẫy hơn 10 ngày, nhưng đến nay vẫn chưa thể nói chuyện được do tụ máu não. Mẹ nạn nhân cho biết anh bị tai nạn khi đang điều khiển xe máy, va quệt với một người khác nên té ngã, đầu đập xuống đường dù anh có đội mũ bảo hiểm. “Khi hay tin, tôi cấp tốc đến hiện trường thì thấy chiếc mũ bảo hiểm thời trang lưỡi trai bị vỡ vụn. Mũ này mẫu mã đẹp được bán tràn lan tại các tuyến đường. Khi xảy ra tai nạn tôi mới thấy tác hại ghê gớm của những chiếc mũ kém chất lượng”- mẹ anh Tường chia sẻ.
T.Thiên |
Bốn ngày, 240 ca chấn thương sọ não
Trong 4 ngày nghỉ lễ (từ 30-4 đến 3-5), Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận 323 ca cấp cứu do TNGT từ khắp nơi chuyển về, trong đó có đến 240 ca chấn thương sọ não. Một bác sĩ Khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết nhiều trường hợp nhập viện với tình trạng nguy kịch, khi hỏi thân nhân thì được biết nạn nhân trong lúc điều khiển xe máy đội mũ bảo hiểm được bày bán ngoài đường. “Dưới góc độ y học, tôi nghĩ người dân nên đội những mũ bảo hiểm đã được kiểm định về chất lượng, nếu không may TNGT xảy ra sẽ giảm tử vong, giảm để lại dị tật do chấn thương sọ não gây ra”- vị bác sĩ này khuyến cáo.
L.Lan |
Kỳ tới: Hàng dỏm tung hoành
Bình luận (0)