Ngày 30-12, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông thuộc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có văn bản gửi bộ trưởng Bộ GTVT đề nghị 2 việc. Thứ nhất, kiến nghị xem xét hợp đồng với Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc (tổng thầu EPC dự án đường sắt trên cao) và có công hàm gửi Đại sứ quán Trung Quốc để có biện pháp chấn chỉnh, rà soát năng lực, kinh nghiệm... các nhà thầu phụ thi công dự án đường sắt này. Thứ hai, đề nghị đình chỉ vô thời hạn với tư vấn giám sát phụ trách nhà ga Bến xe Hà Đông (đều là người Trung Quốc) và xem xét lại hợp đồng của tư vấn giám sát.
Có thể nói 2 kiến nghị trên của cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng công trình giao thông là cực chẳng đã sau 2 sự cố nghiêm trọng liên tiếp xảy ra tại công trình này chỉ trong vòng hơn 1 tháng. Động thái này phần nào cho thấy sự quan ngại của cơ quan hữu trách về chất lượng của cả nhà thầu và tư vấn giám sát Trung Quốc.
Công trình mà nhà thầu Trung Quốc trúng thầu với giá rẻ xem ra chẳng rẻ chút nào nếu so với tính mạng con người, an toàn lao động và chất lượng công trình. Chưa nói việc dự án đường sắt trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông mà doanh nghiệp Trung Quốc thắng thầu đã đội vốn từ 552 triệu USD theo dự toán lên hơn 868 triệu USD như đề xuất mới nhất vào tháng 11, tức là tăng gần 50% so với dự toán ban đầu. Đó là chưa kể cái giá phải trả do chậm tiến độ.
Dự án đường sắt trên cao là một trong số nhiều dự án mà doanh nghiệp Trung Quốc thắng thầu ở nước ta dựa vào giá rẻ là chính. Song khi thắng thầu rồi thì không đội vốn cũng dây dưa chậm tiến độ hàng tháng, thậm chí nhiều năm. Trong đó, tổ hợp bauxite Tây Nguyên với 2 dự án Tân Rai và Nhân Cơ, cùng do tổng thầu Trung Quốc thi công, đều đội vốn lần lượt 3.800 tỉ và 4.300 tỉ đồng.
Luật Đấu thầu hiện hành ưu tiên các nhà thầu có giá trị bỏ thầu thấp mà chưa lưu tâm đúng mức đến nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng thiết bị... Đó có lẽ là kẽ hở lớn để những nhà thầu có ưu thế về giá như doanh nghiệp Trung Quốc dễ dàng thắng thầu. Song thắng rồi thì đội giá, chậm tiến độ, thi công thiếu an toàn như đường sắt trên cao khiến cái giá thực tế đắt hơn giá trúng thầu rất nhiều. Cần kíp sửa ngay kẽ hở đấu thầu này cũng như bổ sung quy định để buộc minh bạch hóa toàn bộ quá trình đấu thầu. Có như vậy, chúng ta mới tránh khỏi những bài học đắt giá theo kiểu biết rồi thì đã muộn.
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!