Hà Nội hy vọng trong 4-5 năm nữa sẽ hạn chế được xe cá nhân nhằm cứu vãn tình hình giao thông trên địa bàn đang ngày càng tồi tệ. Dân số đã hơn 7 triệu, mỗi ngày có 12 triệu lượt người đi lại và lượng phương tiện lưu thông quá lớn trong khi đường phố quá tải, chịu sao nổi khi tới năm 2020 dự kiến có 1 triệu ô tô (chưa kể ô tô của các lực lượng vũ trang), 7 triệu xe máy lưu thông cùng hàng chục ngàn phương tiện vận tải công cộng. Giao thông TP HCM tuy “dễ thở” hơn Hà Nội nhưng cũng không tránh được cảnh ùn tắc ngày càng nghiêm trọng.
Trước thực tế đó, giảm tải giao thông là nhiệm vụ không thể trì hoãn nhưng liệu hạn chế xe cá nhân có phải là giải pháp căn cơ? Thực ra, đề xuất này không mới, từng được nêu vài lần song chưa phù hợp nên phải gác lại. Xe cá nhân chủ yếu gồm xe máy và ô tô con, được dùng nhiều nhất hiện nay. Một khi bị cấm hoặc hạn chế mua sắm/sử dụng thì người dân sẽ đi lại bằng gì? Xe buýt chăng? Xin thưa là cả chục năm qua, Hà Nội và TP HCM đều chi rất nhiều tiền cho phương tiện công cộng này, kể cả trợ giá để vận hành nhưng đều không hiệu quả, thậm chí chết mòn. Lý do: Chất lượng phục vụ kém, bất tiện và vẫn chịu cảnh tắc đường như xe cá nhân, cho nên người dân không chọn, thà đi xe riêng còn hơn!
Đã nhìn thấy trước rằng những đường sắt trên cao hay xe điện ngầm... sẽ góp phần không lớn trong việc chống quá tải giao thông đô thị nên các cơ quan hữu trách khẳng định chỉ có phương tiện công cộng (xe buýt) mới là chìa khóa tháo mở vấn đề. Cứ cho là trong tương lai gần chất lượng xe buýt sẽ tốt hơn nhưng lấy gì bảo đảm rằng phát triển xe buýt ồ ạt đồng thời cấm/hạn chế mua sắm/sử dụng xe máy và ô tô thì sẽ khiến người dân chọn đi xe buýt nhiều hơn? Khó mà cải thiện được tình hình một khi nơi ở - việc làm vẫn dồn về các quận trung tâm, một khi các công trình cao tầng vẫn thi nhau mọc lên ở nội đô, một khi làn sóng nhập cư vẫn ồ ạt mà diện tích địa bàn thì không tăng tương ứng...
Lời giải nằm ở khâu quy hoạch. Chính quyền các đại đô thị phải quyết tâm cao và thực hiện đồng bộ việc giãn dân, di dời hầu hết các bệnh viện, trường đại học, nhà máy ra vùng ven, đồng thời đầu tư đúng mức cho hạ tầng giao thông và phương tiện giao thông công cộng thì mới mong giải quyết được tình hình.
Trước mắt, chưa thể đoan chắc việc hạn chế xe cá nhân có giảm tải giao thông được không nhưng mặt trái của nó sẽ bộc lộ tức thì, đó là làm suy giảm sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng. Vì thế, với tất cả lý do kể trên, phải tính kỹ nhiều giải pháp và kịch bản thay vì cấm/hạn chế. Thực tiễn đã chứng minh kiểu “quản không được thì cấm” hầu hết đều thất sách!
Bình luận (0)