Chương trình bình ổn giá thị trường TPHCM năm 2011 chính thức được triển khai từ ngày 9-4 với 8 mặt hàng thiết yếu gồm gạo, đường RE, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, rau củ quả và thủy sản đông lạnh. So với năm 2010, chương trình năm nay tăng về số tiền hỗ trợ, lượng hàng chuẩn bị nhưng sau một tháng triển khai, nhiều người tiêu dùng tỏ ra thờ ơ vì so với lần trước và so với giá trên thị trường, hàng bình ổn giá đã không còn rẻ.
Hàng nhiều và giá cao
Đường ăn, một trong những mặt hàng bình ổn giá luôn cháy hàng trong năm 2010
Mặt hàng dầu ăn, hàng bình ổn có 2 mức giá là 35.000 đồng/lít và 38.700 đồng/lít. Thế nhưng, tại đa số điểm bán hàng bình ổn hiện chỉ có loại dầu bình ổn 38.700 đồng/lít, tuyệt nhiên không có chai dầu nào 35.000 đồng/lít. Quan sát trên kệ, chúng tôi nhận thấy mức giá này không thấp hơn giá dầu ăn không tham gia bình ổn đáng kể, thậm chí còn cao hơn. Chẳng hạn, dầu Marvela 40.900 đồng/lít, dầu Đệ Nhất 41.000 đồng/lít, dầu Cái Lân chỉ 36.900 đồng/lít…
Sức mua chậm lại
Do chênh lệch giá không đáng kể nên không ít người tiêu dùng thất vọng. Chị Thanh Thùy, nhà ở quận 3 - TPHCM, cho biết: “Đọc báo thấy hàng bình ổn giá rẻ hơn giá thị trường ít nhất 10% nên vào siêu thị mua hàng bình ổn cho tiết kiệm. Thế nhưng tôi chỉ mua được một số hàng khuyến mãi giá rẻ. Đường, trứng, dầu và cả thịt heo bán giá bình ổn đều không rẻ hơn hàng bán ở chợ nên tôi về chợ gần nhà mua cho tiện, khỏi phải chở lỉnh kỉnh từ siêu thị về”...
Trong cuộc họp gần đây, Sở Tài chính TPHCM cho biết giá hàng bình ổn được xây dựng luôn thấp hơn giá thị trường ít nhất 10%, dựa trên cơ sở giá thị trường là giá công bố của Cục Thống kê. Còn theo bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty Ba Huân, việc so sánh giá cùng một mặt hàng được bán bình ổn với giá thị trường không phản ánh đúng vì hàng của doanh nghiệp (DN) bình ổn phải qua các khâu phân loại, xử lý, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cũng cho rằng nếu so sánh giá hàng bình ổn với giá thị trường thì phải so sánh hàng cùng chủng loại, cùng quy cách...
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng chưa cần so với giá thị trường mà chỉ so với giá của những DN ngoài chương trình, giá hàng bình ổn cũng không rẻ hơn. Chưa kể một số mặt hàng (chẳng hạn như thực phẩm chế biến) không có loại tương đồng so với thị trường thì rất khó để so sánh, đánh giá mắc, rẻ...
Giám đốc một hệ thống bán lẻ tại TPHCM thừa nhận giá cả hàng hóa leo thang mà sức mua các mặt hàng bình ổn chậm hẳn, chứng tỏ hàng bình ổn giá không còn thu hút người tiêu dùng. Một khi mức chênh lệch giá giữa hàng bình ổn và giá thị trường được kéo lại quá gần, hàng bình ổn không thể phát huy tác dụng bình ổn giá, điều tiết thị trường…
Vissan đề nghị tăng giá Mới đây, Công ty Vissan đã gửi đơn đến Sở Tài chính TPHCM xin tăng 15% giá các mặt hàng công ty này đăng ký bán bình ổn giá. Theo đó, mức giá thịt heo đùi bình ổn Vissan bán ra sẽ là 90.000 đồng/kg, thịt ba rọi 95.000 đồng/kg. Nếu được chấp nhận, mức giá này sẽ càng rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa thịt heo bán tại các điểm bình ổn giá và thịt heo tại các chợ. Theo quy định, năm 2011, các DN bán hàng bình ổn được điều chỉnh tăng giá bán nếu giá nguyên liệu đầu vào tăng 15% trở lên và sẽ giảm giá nếu giá thị trường giảm 5%. |
Bình luận (0)