Công ty bán hàng đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy (Công ty TNMU) hoạt động trên địa bàn huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum từ năm 2013 nhưng rất ít người tham gia. Từ đầu năm 2015 đến nay, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở đây, kể cả cán bộ, bắt đầu vét hết những đồng tiền dành dụm để mua hàng của công ty này với hy họng có chức tước và cuộc sống khá giả trong tương lai.
Đủ chiêu dụ dỗ
Đầu năm 2013, một người tên A Nuông ăn mặc bảnh bao, tự giới thiệu là Trưởng Phòng Kinh doanh Công ty TNMU, tìm đến nhiều nơi - trong đó có thôn Đắk Đoát, xã Đắk Pét, huyện Đắk Glei - chào mời những người uy tín, cán bộ trong làng mua nồi cơm điện, bếp từ, mỹ phẩm… Ai mua hàng với số tiền 5 triệu đồng/sản phẩm sẽ được một hợp đồng bán hàng, sau 2-3 năm số tiền sẽ sinh lãi và được nhận 41 triệu đồng. Nếu ai mua hàng rồi giới thiệu người khác cùng mua thì sẽ được hưởng tiền hoa hồng 1 triệu đồng/người. Những người mua hàng sẽ trở thành “chuyên viên kinh doanh” cho Công ty TNMU...
Vợ chồng bà Y Dinh bỏ ra 30 triệu đồng mua các sản phẩm của Công ty TNMU với hy vọng 2-3 năm sau sẽ nhận lợi nhuận gấp đôi
“Lúc đó, dân làng không tin vì chỉ bỏ 5 triệu đồng mà khi lấy thì lại được 41 triệu đồng nên chỉ có A Nâu và A Krõ tham gia. A Nuông dụ dỗ tôi rằng nếu bỏ 5 triệu đồng mua bò thì có thể bò bị bệnh chết hoặc không đẻ con. Trong khi đó, mua hợp đồng làm nhân viên bán hàng đa cấp thì chỉ cần sau 2 năm sẽ có 41 triệu đồng, lời gấp mấy lần nhưng thấy giá sản phẩm đắt hơn nhiều so với giá thị trường nên tôi không mua” - anh A Hùng, trưởng thôn Đắk Đoát, nhớ lại.
Đến đầu năm 2015, A Nâu và A Krõ mỗi người lãnh được 41 triệu đồng, đồng thời được Công ty TNMU mời mua tiếp sản phẩm mới. Thấy lãi nên cả 2 người dùng tiền đó mua thêm 3 sản phẩm mới và khoe với dân làng nên nhiều người rất tin tưởng.
A Vơi, một người uy tín trong làng, cũng bị lôi kéo mua các sản phẩm với tổng giá trị 30 triệu đồng và trở thành nhân viên bán hàng cho Công ty TNMU. Sau đó, A Vơi giới thiệu và lôi kéo nhiều người khác mua hàng của mình. Trong số này, vợ chồng bà Y Dinh mua hợp đồng với số tiền 30 triệu đồng. Đây là khoản tiền gia đình bà dành dụm trong nhiều năm mới có được. Lần này, số tiền mua mỗi sản phẩm tăng lên 10,7 triệu hoặc 11,7 triệu đồng. Nếu ai không mua sản phẩm có thể chuyển sang mua phiếu khám sức khỏe với giá 10,7 triệu đồng/phiếu. Sau 2-3 năm, người tham gia sẽ nhận được 25 triệu đồng.
“Sau khi giới thiệu được nhiều người tham gia, A Nâu lên làm tổ trưởng tổ bán hàng. Mỗi lần gặp nhau, A Nâu đều cười chê tôi ngày xưa không chịu mua hàng nên không được tiền và bảo người dân đừng nghe lời khuyên của tôi” - anh Hùng cho biết.
Khi chúng tôi hỏi về cách thức mua hàng cũng như chất lượng các sản phẩm, hầu hết người dân đều né tránh. Anh Hùng giải thích khi mua hàng, người dân được dặn dò không cho người nào, trừ những người cùng tham gia, biết thông tin về sản phẩm.
Ngồi không hưởng lợi
Sau khi nhận được lợi nhuận 41 triệu đồng từ Công ty TNMU, A Krõ đã ký 3 hợp đồng mua 3 sản phẩm là 1 chiếc quần lót nữ giá 10,7 triệu đồng và 2 nồi áp suất giá 11,7 triệu đồng/cái. “Với 3 hợp đồng, sau này mình sẽ nhận được 75 triệu đồng, như thế là nhiều tiền hơn lên rẫy làm mì rồi” - A Krõ hy vọng.
Trong khi đó, 2 hộ A Nhót và A Níc bỏ ra đến 260 triệu đồng để mua quần áo lót, nồi cơm điện, bình lọc nước... Họ hy vọng sau vài năm sẽ có tiền tỉ trong tay mà không phải làm gì.
Theo Đội QLTT số 3, Chi cục QLTT tỉnh Kon Tum, Công ty TNMU được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần gần nhất là ngày 1-7-2014 tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội. Công ty có giấy chứng nhận kinh doanh mặt hàng đa cấp số 001/QLCT-GCN do Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương cấp ngày 16-9-2014. Hàng hóa được Cục Quản lý cạnh tranh cấp phép gồm: thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, hàng may mặc, kim khí điện máy, điện gia dụng…, chủ yếu nguồn gốc xuất xứ từ Đài Loan, Trung Quốc.
Đáng chú ý, các mặt hàng này có giá cao đến khó tin. Ví dụ, quần lót, quần đùi chỉnh hình nữ nhãn nhiệu Nymphs, xuất xứ Đài Loan có giá lần lượt 5,9 và 6,4 triệu đồng/sản phẩm. Bếp điện từ, bếp hồng ngoại xuất xứ Trung Quốc có giá hơn 5 triệu đồng/cái...
Ông Nguyễn Văn Sơn, Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Đắk Glei, cho biết phòng đã kiểm tra các mặt hàng mà Công ty TNMU rao bán và nhận thấy cao hơn rất nhiều so với giá trị thật. Tuy nhiên, do công ty hoạt động kinh doanh có giấy tờ đầy đủ nên không thể xử lý được. “Chủ yếu họ đánh vào lòng tham của người dân. Chẳng hạn, nồi cơm điện giá chỉ vài trăm ngàn đồng nhưng họ đẩy lên gấp nhiều lần, sau đó cho bốc thăm trúng thưởng, hưởng khuyến mãi” - ông Sơn lý giải.
Cán bộ cũng tham gia
Ở thôn Đắk Đoát, hiện chỉ có trưởng thôn A Hùng và 1 công an viên không tham gia, còn những cán bộ khác đều dính líu tới bán hàng đa cấp.
Theo ông A Ruổi - Chủ tịch UBND xã Xốp, huyện Đắk Glei - cả xã có 24 trường hợp tham gia bán hàng đa cấp, trong đó có cả thôn phó và bí thư chi bộ một số thôn. “Chúng tôi đã tuyên truyền, nhắc nhở bà con không mua bán hàng đa cấp, đặc biệt là nghiêm cấm cán bộ, đảng viên nhưng bà con vẫn lén lút tham gia” - ông Ruổi nói.
Không chỉ tham gia, ông A Nuông - trưởng thôn Đắk Wấk, xã Xốp - còn được Công ty TNMU phong chức Trưởng Phòng Kinh doanh. Theo ông Nuông, từ tháng 4-2013, ông đã đứng ra tổ chức cho 80 người thuộc các xã trong huyện Đắk Glei đi dự hội nghị và nhận thưởng lại TP Pleiku, tỉnh Gia Lai. Trong đó, 44 người được nhận thưởng với 94 suất quà, mỗi suất 10 triệu đồng, do đã tham gia chương trình “Trăm hoa đua nở” khi mua bình Ozon 4,5 triệu đồng/chiếc, nồi áp suất giá 6,4 triệu đồng/chiếc. “Công ty đang tổ chức các chương trình “Kim mã tỏa sáng”, “Lung linh hồi xuân” với nhiều phần thưởng rất hấp dẫn” - ông Nuông tiết lộ.
Kỳ tới: Mê hồn trận lợi nhuận
Bình luận (0)