Kiểm tra thiết bị giám sát hành trình của phương tiện vận tải. Ảnh: Dân trí
Theo ông Thanh, Nghị định 91 về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô bắt buộc các doanh nghiệp phải lắp đặt và khai thác sử dụng thiết bị giám sát hành trình để báo cáo tình hình hoạt động của các phương tiện khi lưu thông trên đường. Các thông tin này phải luôn ở thế sẵn sàng trích xuất thông tin về lịch trình chạy xe khi có đoàn kiểm tra (thanh tra giao thông hoặc cảnh sát giao thông) và kết nối thông tin về trung tâm đặt tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) và các Sở GTVT để phục vụ công tác quản lý.
Mỗi thiết bị giám sát hành trình đều sử dụng 1 sim thuê bao di động để truyền tải dữ liệu về máy chủ. Tuy nhiên từ ngày 16-10 vừa qua, Tổng Công ty Viễn thông quân đội (Viettel) đã thực hiện điều chỉnh giá cước 3G tăng chóng mặt nên hàng loạt hộp đen đã “tê liệt” không thể hoạt động.
“Doanh nghiệp vận tải phải ký kết các hợp đồng mua thiết bị và truyền tải thông tin từ các công ty cung cấp thiết bị giám sát hành trình. Tuy nhiên, khi giá cước 3G tăng chóng mặt thì số tiền mà các công ty này đã đóng cho nhà mạng như muối bỏ bể. Lẽ ra sử dụng được 3 tháng thì giờ chỉ đủ dùng 3 ngày là hết. Doanh nghiệp cung cấp thiết bị giám sát hành trình và doanh nghiệp vận tải chưa thống kê, thỏa thuận được về số tiền phát sinh do 3G tăng giá nhưng chắc chắn số tiền sẽ không hề nhỏ. Còn đơn vị cung cấp dịch vụ 3G thì không cần quan tâm tới điều đó, cứ không đóng tiền cho họ là họ cắt. Và như thế đã khiến hàng ngàn phương tiện đang vi phạm luật giao thông, lỗi không trích xuất, truyền tải được thông tin về lịch trình chạy xe” - ông Thanh nói.
Theo phân tích của Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, với đặc điểm truyền tin dung lượng thấp nên hầu hết các thiết bị giám sát hành trình chỉ tiêu tốn mức cước từ 10.000 - 40.000 đồng/tháng. Tuy nhiên việc điều chỉnh cách tính cước 3G đã gây ra sự gia tăng hàng trăm lần lưu lượng truyền phát so với trước đây, khiến các sim thuê bao nhanh chóng hết tiền và thiết bị giám sát hành trình ngừng hoạt động trên diện rộng.
“Nhiều doanh nghiệp phản ánh với chúng tôi rằng họ đã mất kiểm soát phương tiện lưu thông trên đường. Theo quy định, lỗi thiết bị giám sát hành trình không truyền phát dữ liệu được sẽ bị tước giấy phép lái xe 30 ngày và phạt 2,5 triệu đồng. Thế thì rất gay go” - ông Thanh nói và kiến nghị trong thời điểm này Bộ Công an và Bộ GTVT cần chỉ đạo lực lượng không xử phạt các xe không trích xuất được thông tin từ thiết bị hộp đen.
Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết đã kiến nghị Viettel và các nhà mạng khác áp dụng cách tính cước đúng theo lưu lượng truyền tin thực tế (không tính theo block) đối với các gói cước trên ô tô vận tải hành khách và hàng hóa giữa thời buổi kinh tế khó khăn như thế này.
“Chúng tôi chưa tính toán được việc tăng giá cước 3G sẽ khiến doanh nghiệp tốn kém thêm bao nhiêu mỗi tháng, nhưng giữa thời điểm khó khăn này phải biết chia sẻ với nhau, tăng giá như vậy thì dù đổ đầu doanh nghiệp cuối cùng người tiêu dùng, người dân cũng phải gánh cả mà thôi” - ông Thanh nói.
Bình luận (0)