Trước sức ép của OTT (dịch vụ điện thoại, nhắn tin miễn phí trên internet), 3 nhà mạng lớn là Viettel, MobiFone, Vinaphone đồng loạt tăng cước 3G từ ngày 16-10. Điều đáng nói là Viettel đã “vượt rào” tăng tới 333%, đánh vào túi số đông “thượng đế” không hề biết OTT là gì!
Cước tăng, chất lượng không tăng
Đây là lần thứ hai trong năm nay các nhà mạng tăng cước 3G. Đáng nói là tăng giá cước nhưng tốc độ, dung lượng gói cước vẫn giữ nguyên như cũ!
Phải kiểm tra chi phí
Tại cuộc giao ban của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) ngày 14-10, Cục trưởng Cục Viễn thông, ông Phạm Hồng Hải, thông báo Cục Viễn thông đồng ý cho các nhà mạng tăng cước 3G. “Hiện giá cước 3G của Việt Nam đang quá thấp mà nâng lên ngay bằng giá thành sẽ gây xáo trộn cho khách hàng. Vì vậy, sẽ phải có lộ trình tăng cước hợp lý để không gây ảnh hưởng nhiều đến người sử dụng” - ông Hải khẳng định.
Ông Phạm Hồng Hải cũng cho biết tất cả gói cước 3G mà 3 mạng này vừa điều chỉnh đều đã được Bộ TT-TT phê duyệt với mức tăng trung bình khoảng 20%. Với mức tăng này, Cục Viễn thông cho rằng mức cước 3G của Việt Nam vẫn thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình của 10 nước ASEAN. Dù vậy, trên thực tế, các nhà mạng lại có quyết định tăng giá cước 3G từ 50.000 đồng lên 70.000 đồng từ ngày 16-10. Chưa kể đến trước đó, ngay từ đầu năm, giá cước đã một lần được điều chỉnh từ 40.000 đồng lên 50.000 đồng.
Tổng Thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Thỏa, cho rằng phải dựa trên quy định của Luật Giá để xác định vấn đề. “Theo quy định của Luật Giá, trong trường hợp này, cơ quan có thẩm quyền phải thanh tra ngay các yếu tố hình thành giá của nhà mạng, nếu không có việc tăng chi phí hoặc tăng chi phí không hợp lý thì phải xử lý” - ông Thỏa cho biết. Cũng theo ông Thỏa, việc các nhà mạng than hụt doanh thu cũng phải kiểm tra có đúng như vậy không.
PGS-TS Trương Đình Chiến, Trưởng Khoa Marketing Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), cho rằng giá cước 3G có thể tăng bởi cần bảo đảm cho nhà kinh doanh có lãi nhưng phải dựa trên tính toán chi phí kinh doanh hợp lý và lợi ích người tiêu dùng. “Tăng cước phải đi đôi với tăng chất lượng dịch vụ, tính toán mức giá hợp lý với thu nhập trung bình và phải bảo đảm khi tiến bộ kỹ thuật được nâng cao dần lên thì người dân cũng phải dần dần được hưởng mức giá thấp đi” - ông Chiến nói.
Tăng không chính đáng
Trước áp lực của các dịch vụ OTT đã buộc giá cước 3G tăng giá, nhiều chuyên gia và người tiêu dùng phản ứng. Anh Nguyễn Duy (ngụ Hà Nội) bức xúc: “Tôi chẳng biết Viber, Line, KakaoTalk, Zalo là gì, thậm chí cũng không biết nhắn tin qua Facebook, vậy sao lại đánh đồng tôi với khách hàng khác để tăng cước? Đây là sự độc quyền, áp đặt người tiêu dùng”. Còn chị Nguyễn Thị Nhung (ngụ Hà Nội) thì nói thẳng: “Chất lượng mạng 3G phập phù như vậy sao lại tăng cước? Tôi sẽ chuyển sang nhà mạng khác”.
Bà Zin Le, Giám đốc giải pháp của Ericsson Việt Nam, góp ý: Các nhà mạng nên coi OTT là cơ hội để phối hợp tăng doanh thu và tăng trưởng thuê bao. Theo bà Zin Le, khi giá smartphone rẻ đi, với nhiều ứng dụng có sẵn, dễ dùng thì các nhà mạng nên xây dựng các gói dịch vụ OTT thích hợp để đáp ứng nhu cầu người dùng, tăng doanh thu thay vì đánh đồng gói cước data.
Cục Quản lý cạnh tranh thu thập chứng cứ Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, một cán bộ của Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương cho biết hiện bộ đang thu thập chứng cứ, xem xét việc tăng giá cước 3G. Nếu có dấu hiệu các nhà mạng bắt tay nhau tăng giá thì sẽ xử lý đúng theo quy định của Luật Cạnh tranh. Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng, phát biểu: “Tôi đề nghị các cơ quan nhà nước cần nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong việc thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, khi xem xét phương án giá của doanh nghiệp cần thẩm định thông tin đầy đủ và tạo điều kiện cho người tiêu dùng thực hiện quyền góp ý của mình theo luật định”. |
Bình luận (0)