Đường ven Hồ Tây dài khoảng 17 km là một điểm hẹn thơ mộng mà TP Hà Nội đã mất rất nhiều năm cùng nguồn ngân sách đầu tư lớn mới có thể hoàn thành. Đây là nơi lý tưởng để người dân vãn cảnh, đi dạo, tập thể thao nhưng hiện đang bị các hàng quán cà phê, nước giải khát, quán ăn lấn chiếm để hoạt động buôn bán, kinh doanh.
Từ những đoạn đường đã hoàn thành trước đây nhiều năm như đường Trích Sài, Nhật Chiêu,... hay đường Nguyễn Đình Thi vừa được gắn biển vào cuối tháng 8 vừa qua, hầu hết các khu vực đều bị các hộ kinh doanh lấn chiếm để bán hàng.
Tại vỉa hè vốn đã không mấy rộng suốt con đường chạy ven hồ, các hộ kinh doanh đã mang bàn, ghế, ô che nắng đủ chủng loại đặt san sát. Cảnh đẹp, khách đến khá đông, đặc biệt lúc chiều tối hay các sáng ngày nghỉ thứ 7, chủ nhật. Xe của khách đậu chật vỉa hè và đỗ cả dưới lòng đường. Không còn chỗ để đi, những người dân đi bộ vãn cảnh hay đi tập thể dục thường phải đi hay chạy bộ dưới lòng đường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Không những thế, các khu vực vườn hoa, bãi cỏ cũng trở thành nơi mà hàng trăm chiếc bàn ghế đặt lên để bán hàng giải khát, hàng ăn. Những bãi cỏ trụi chỉ còn trơ đất và rác thải sau mỗi đêm bán hàng khiến không ít người dân sống trong khu vực và những người tập thể dục cảm thấy bức xúc. Nhiều ghế đá công cộng cũng bị biến thành chỗ ngồi cho khách với một chiếc bàn của nhà hàng đặt phía trước "xí chỗ". Không gian công cộng bị biến thành của riêng.
Không chỉ các quán cố định dọc các khu dân cư. Những đoạn chạy giữa hồ Tây và các đầm sen, mỗi chiều tối đều được các quán di động lấn chiếm lấy chỗ bán hàng. Cứ chiều chiều, các xe hàng lại "xuất kích". Mỗi xe với hàng chục chiếc chiếu trải trên vỉa hè hay hàng chục bàn ghế đặt thành hàng dài suốt dọc đường khiến người đi bộ, tập thể dục không còn đường để đi lại.
Hoạt động bán hàng khá đông vui, nhộn nhịp, cả hàng giải khát và cả các quán nhậu bán hàng tới khuya. Và sáng hôm sau, các quán di động này rút đi, để lại rác thải, và nhiều khi các vũng nước lênh láng.
Một số hình ảnh Báo Người Lao Động ghi nhận:
Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông
Các bãi cỏ xanh sát hồ là điểm lý tưởng để đặt bàn ghế của các quán cà phê, hàng giải khát
Bán hàng cạnh biển cấm ghi "Không để ô tô, xe máy, xe đạp, kinh doanh buôn bán trên hè phố, thảm cỏ...", ngay gần trụ sở UBND quận Tây Hồ
Vỉa hè ven hồ bị lấn chiếm, người dân phải đi bộ xuống lòng đường
"Trung tâm cà phê" ven Hồ Tây trên đường Nguyễn Đình Thi vừa được gắn biển dặt tên đường cuối tháng 8 vừa qua. Nếu chạy xe chậm trên con đường này, người dân sẽ được mời đon đả vào các quán cà phê san sát lấn chiếm vỉa hè vườn hoa
Bình luận (0)