Ngày đêm đối mặt với ô nhiễm, nhiều người dân ở TP HCM đang kêu cứu khắp nơi. Thế nhưng, họ chỉ nhận được những lời vòng vo của doanh nghiệp gây ô nhiễm hoặc lời hứa ghi nhận của cơ quan hữu trách. Cuối cùng, chủ nhân hàng trăm căn nhà phải chọn cách dọn đi nơi khác hoặc... tự phong tỏa.
Xóm không mở cửa
Ấp 5, xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi, TP HCM được mệnh danh là “xóm không mở cửa”. Hơn 100 hộ dân nơi đây đóng cửa cả ngày lẫn đêm không phải sợ trộm đột nhập mà sợ ngửi phải khí từ một công ty tái chế bao bì xộc vào.
Theo người dân, từ ngày xuất hiện Công ty TNHH Bao bì Bình Dương (gọi tắt là Công ty Bao bì Bình Dương), làng quê này không còn thanh bình như trước nữa. Chiều 30-5, vừa có mặt tại đây, chúng tôi đã ngửi một mùi hôi khó chịu như ai đang đốt túi ni-lông. Càng đi sâu vào ấp, mùi hôi càng kinh khủng hơn. Dù chúng tôi đã mang 2 lớp khẩu trang nhưng vẫn không ngăn được mùi hôi xộc vào mũi. Hầu hết các căn nhà xung quanh Công ty Bao bì Bình Dương đều đóng kín cửa. Những đứa trẻ trong xóm thay vì vui đùa ngoài sân thì phải chui hết vào nhà. Người lớn cũng vậy, khi đi làm về liền vội vàng chạy vào nhà để hạn chế ngửi mùi ni-lông cháy khét.
Trước khi bắt đầu câu chuyện, ông Nguyễn Phương S. (nhà cạnh Công ty Bao bì Bình Dương) đã khuyên chúng tôi đừng gỡ khẩu trang. “Ở đây, khi khách đến chơi, “tặng” khẩu trang là đầu câu chuyện” - ông nửa đùa nửa thật. Ông S. cho biết trước đây, 2 con của ông rất khỏe mạnh nhưng từ khi hít khí “độc” vào, một đứa thường xuyên viêm phổi, đứa kia viêm họng “thâm niên”.
Chị Phạm Thị Ngọc L., cũng ngụ cạnh Công ty Bao bì Bình Dương, khẳng định ngoài mùi hôi do đốt túi ni-lông, nhà dân trong ấp 5 còn chịu cảnh bụi bẩn bám đầy vì khói thải từ công ty theo gió cuốn vào. “Rất nhiều lần người dân kiến nghị đến cơ quan chức năng nhưng mọi việc vẫn diễn ra bình thường” - chị L. bức xúc và cho biết không ít người phải bán nhà vì không chịu được ô nhiễm hoành hành.
Trong khi đó, quận 12 cũng tồn tại hàng chục xưởng dệt, nhuộm, chế biến gỗ… nằm ngay khu dân cư. Các hộ dân sống xung quanh phải chịu cảnh ô nhiễm tra tấn từng ngày. Đơn cử, Công ty Giặt ủi Đại Dương (khu phố 7, phường Tân Thới Nhất, quận 12) xả nước thải, khí thải trực tiếp ra môi trường.
Bà Dương Tiết Hoa (sống gần đó) cho biết ngày nào nhà bà cũng chịu cảnh khói đen từ ống khói nhà xưởng của công ty này xộc vào nhà, nước thải tràn ra khắp hẻm. “Tôi đã gửi đơn đến UBND phường mà không thấy hồi âm, trao đổi với chủ xưởng thì họ cự cãi. Hiện tại, nhà tôi có 5 người đều mắc bệnh về đường hô hấp” - bà Hoa lo lắng.
“Bình thường thôi”!
Để làm rõ thực hư về nguồn gốc ô nhiễm, chúng tôi đã vào bên trong Công ty Bao bì Bình Dương. Không khí bên trong công ty này thật kinh khủng, mùi cháy khét của ni-lông bao trùm. Mùi này xuất phát từ cái máy chuyên tái chế bao bì cũ thành bao bì mới với quy trình thủ công. Bao bì cũ được thả trực tiếp vào máy để nấu cho tan chảy, khí thải màu đen tỏa qua ống khói không hề qua công đoạn xử lý. Càng đứng gần, mùi hôi càng nặng nề. “Ai không quen là chóng mặt, nhức đầu ngay” - một công nhân cho biết.
Ô nhiễm là vậy, người dân xung quanh khổ sở là vậy nhưng ông Trần Quang Phục, Giám đốc Công ty Bao bì Bình Dương, lại thản nhiên: “Nói chung, khi làm bánh ngọt sẽ tỏa ra mùi bánh còn mình làm nhựa thì thải ra mùi nhựa. Điều này bình thường mà”.
Ông Phục cho rằng muốn đổ lỗi cho công ty ông gây bệnh, mọi người xung quanh cần có cơ sở, bằng chứng. “Có ảnh hưởng đến sức khỏe ai đâu? Mùi hôi mà công ty tôi thải ra thật sự không nghiêm trọng, bình thường thôi. Người dân tố công ty tôi gây bệnh chỉ mang tính cảm tính. Mấy đứa trẻ đi ngoài đường ngửi khói, bụi vẫn bệnh bình thường đó thôi” - ông Phục chống chế.
Chúng tôi đã mang những bức xúc của người dân trao đổi với ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi. Ông Phú cho biết đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện tổ chức kiểm tra và báo cáo sớm. “Nếu phát hiện công ty ảnh hưởng đến đời sống người dân sẽ xử lý ngay” - ông Phú khẳng định.
Tương tự “bài” trả lời của Củ Chi, lãnh đạo UBND quận 12 cũng cho biết sẽ kiểm tra và xử lý các trường hợp xả thải, gây ô nhiễm không khí, tiếng ồn...
Xuất hiện “làng ung thư” ở Hóc Môn
Theo nguồn tin từ UBND huyện Hóc Môn, đã có 14 trường hợp người dân trình báo bị ung thư vì sống gần bãi rác Đông Thạnh.
Theo UBND huyện Hóc Môn, tuy chưa thể khẳng định nguyên nhân gây ra ung thư là do bãi rác Đông Thạnh (vì cần phải có hội đồng y khoa xác định) nhưng lâu nay, bãi rác này đã gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân.
Bình luận (0)