Ngư dân “ngồi trên lửa”
Theo một nguồn tin, hiện toàn tỉnh Kiên Giang có khoảng 400 tàu cá phải nằm bờ vì thiếu nhiên liệu. Số lượng tàu cá nằm bờ tập trung nhiều nhất tại cảng cá Tắc Cậu, huyện Châu Thành.
Ông Tư Hon ngồi thẫn thờ trên cầu cảng nhìn 2 chiếc tàu, giọng đầy bức xúc: “Ngày giờ ra khơi đã định, hàng hóa đã mua, nước đá (dùng để ướp cá, tôm - PV) cũng đã chất đầy khoang, anh em ngư dân cũng đã sẵn sàng, chỉ còn chờ... dầu để ra khơi”.
Ông Tô Duy Đại, Chủ tịch Hội Nghề cá TP Rạch Giá, khẳng định: “Tình trạng khan hiếm dầu đã diễn ra từ ngày 25-3 đến nay khiến nhiều ngư dân, chủ tàu khốn đốn. Sở dĩ có chuyện này là vì tin đồn xăng dầu sẽ tiếp tục tăng giá khoảng 2.500 đồng/lít trong thời gian tới nên nhiều nơi “găm” hàng.
Ông Từ Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, cho biết trong khoảng 10 ngày qua, xăng dầu cung cấp cho các ghe biển lại tiếp tục thiếu. Một số ngư dân không thể mua được dầu với số lượng nhiều nên không thể ra khơi đánh bắt được.
Doanh nghiệp than lỗ
Còn đối với các DN xăng dầu, họ cũng bức xúc không kém vì việc kinh doanh của họ cũng có nguy cơ phá sản. Ông Trần Quang Minh, chủ cây xăng Minh Quân ở thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn - An Giang, cho biết DN ông là đại lý bán hàng cho Petrolimex đã nhiều năm qua.
Ông Nguyễn Ngọc Chiến, chủ cây xăng Công Minh ở xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn, cho biết hiện hoa hồng của đại lý là 200 đồng/lít xăng, 250 đồng/lít dầu. Mức hoa hồng này không đủ bù cho nhiều chi phí khác nên người bán vẫn lỗ từ 150-200 đồng/lít.
Khan hiếm chủ yếu do tin đồn
Giải thích về tình hình khan hiếm xăng dầu những ngày qua, ông Đàm Tá Văn, Giám đốc Công ty Xăng dầu Long An (trực thuộc Petrolimex), cho biết nguyên nhân là do có thông tin từ cơ quan chức năng giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh theo giá thị trường nên nhiều người mua dự trữ. Mặt khác, hiện miền Tây đang vào vụ thu hoạch lúa nên nhu cầu sử dụng xăng dầu tăng.
Kế đến là tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới vẫn còn tiếp diễn, các đầu nậu thu gom xăng dầu xuất lậu. Hiện nay, giá xăng dầu trong nước thấp hơn một số nước lân cận khoảng 4.000 đồng/lít.
Do lượng mua tăng đột biến nên công ty hạn chế bán hàng. Người dân có nhu cầu sản xuất chỉ được mua lượng dầu sử dụng 1- 2 ngày (từ 60 lít - 70 lít, xe tải 30 lít, xe hơi 20 lít và xe máy 2 - 3 lít). Công ty Xăng dầu Long An đã kiến nghị Petrolimex tăng lượng cung cấp xăng dầu và đã được đồng ý. Tuy nhiên, khi nào sẽ được “rót” hàng xuống, công ty cũng chưa được biết.
Tình trạng khan hiếm xăng dầu cũng đang diễn ra tại tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang. Ông Võ Thái Sơn, Giám đốc Công ty Xăng dầu Tây Nam Bộ, cũng cho biết cho dù khu vực Cần Thơ không liên quan gì đến buôn lậu xăng dầu qua biên giới nhưng khi giá thế giới tăng đã tác động đến tâm lý các cơ sở sản xuất khiến họ tranh thủ mua xăng dầu để dự trữ. Chủ một DN kinh doanh xăng dầu tại TPHCM cho biết hiện rất khó mua hàng từ các đầu mối, nhất là những đầu mối tiêu thụ nguồn từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (đang bị gián đoạn cung cấp hàng để sửa chữa). Trong tháng 2 vừa qua, dù có căng thẳng nhưng vẫn được cung cấp đủ chỉ tiêu, còn hiện nay bị cắt giảm khoảng 40%. Một nguyên nhân khác là các đầu mối cung cấp đã giảm hoa hồng cho các đại lý chỉ còn 50 đồng - 70 đồng/lít nên khi vận chuyển xa, các đại lý bị lỗ nên giảm lượng hàng bán ra.
Ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex Việt Nam, cho biết thị phần khu vực miền Tây của đơn vị chỉ chiếm khoảng 30%. Khi xảy ra tình trạng căng thẳng xăng dầu, một số đầu mối lại hạn chế bán hàng ra thị trường nên khách đổ dồn về mua hàng của Petrolimex. Cho dù đơn vị có cố gắng điều phối cũng chỉ đáp ứng thêm 40% - 50%. Nguồn xăng dầu của Petrolimex vẫn bảo đảm nhu cầu cần thiết.
Đại diện Saigon Petro cho biết hiện đơn vị đang bị lỗ hơn 2.000 đồng/lít xăng dầu. Mỗi tháng, đơn vị cung cấp ra thị trường từ 80.000 - 90.000 m3 xăng dầu. Trường hợp khách hàng muốn mua thêm vượt chỉ tiêu so với mức đăng ký, công ty dứt khoát không bán. Nguyễn Hải |
Bình luận (0)